.

Châu Âu áp dụng các biện pháp mạnh ứng phó với dịch COVID-19

Cập nhật: 22:30, 13/03/2020 (GMT+7)

* Tổng thống Hàn Quốc hối thúc triển khai các chính sách ứng phó với những hậu quả kinh tế 

Ngày 13/3, Thụy Sĩ đã thông báo thêm 2 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại bang Ticino, nâng tổng số người thiệt mạng ở nước này lên 6 người. Hiện Thụy Sĩ đã có trên 800 ca nhiễm COVID-19 và giới chức nước này có thể sớm ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Bang Ticino của Thụy Sĩ đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Bang Ticino của Thụy Sĩ đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 13/3, Slovakia sẽ từ chối nhập cảnh với tất cả những người nước ngoài (trừ công dân Ba Lan) để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tại các cửa khẩu ở biên giới với Ba Lan, chỉ có người mang quốc tịch Ba Lan mới được phép nhập cảnh vào Slovakia. Chính phủ Slovakia cũng yêu cầu đóng cửa tất cả các sân bay quốc tế và trường học để phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cùng ngày, thủ đô Vilnius của Litva đã đóng cửa tất cả các trường học địa điểm giải trí công cộng trong hơn 1 tháng do lo ngại dịch COVID-19 lan rộng. Người dân được khuyên nên đi bộ và tập thể dục ngoài không gian tự nhiên, thoáng đãng để nâng cao sức khỏe. Hiện Litva đã ghi nhận 3 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, không có trường hợp nào ở thủ đô nhưng giới chức Vilnius vẫn thực hiện các biện pháp trên để đề phòng do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động nhưng được khử trùng kỹ lưỡng, trong khi người dân được khuyến cáo ưu tiên các hình thức mua bán trực tuyến để giảm tiếp xúc xã hội.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương Armenia tuyên bố sẽ dần thay thế toàn bộ tiền mặt đang được lưu hành bằng những đồng tiền mới để ngăn chặn nguy cơ lây lan COVID-19. Giới chức Armenia cũng khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng tiền mặt để thanh toán và thay bằng các phương thức thanh toán trực tuyến. Hiện quốc gia này ghi nhận 4 ca dương tính với virus.

Cùng ngày, Hà Lan tuyên bố cấm mọi hoạt động hội họp từ 100 người trở lên để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chính phủ nước này khuyên người dân làm việc tại nhà và các công ty thực hiện chế độ luân phiên nhân viên đi làm để tránh lây nhiễm. Các trường học vẫn mở cửa ít nhất là tới ngày 31/3.

 Ngày 13/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hối thúc nước này triển khai các biện pháp chính sách “chưa từng có” để ứng phó với những hậu quả kinh tế của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tại một cuộc họp ở Phủ Tổng thống Hàn Quốc với sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) Lee Ju-yeol, ông Moon Jae-in đã nhận được một báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế Hàn Quốc và thị trường tài chính trong nước trước những quan ngại ngày một tăng về sự lan rộng trên phạm vi toàn cầu của dịch COVID-19.

Theo người phát ngôn của Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kang Min-seok, ông Moon Jae-in nhận định Hàn Quốc đang ở trong “một tình hình kinh tế khẩn cấp” không thể so sánh với cuộc khủng hoảng liên quan tới Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) năm 2015 và Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003.

Ông Moon Jae-in đã nhấn mạnh rằng các quan chức phụ trách lĩnh vực kinh tế sẽ không cần phải “bó hẹp” trong các biện pháp chính sách được thực hiện lâu nay để ứng phó với tình hình hiện tại.

Về những hạn chế đi lại đối với Hàn Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ông Moon Jae-in đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan xem xét thảo luận với các cơ quan quốc tế để các doanh nhân có giấy chứng nhận y tế có thể được miễn trừ các hạn chế trên.

Cuộc họp trên cũng có sự tham gia của Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Sung Yun-mo và ông Eun Sung-soo, người đứng đầu Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc. Tổng thống Moon Jae-in cũng tỏ ý tin tưởng và đánh giá cao năng lực điều hành của ông Hong Nam-ki trong tình hình hiện nay.

Trong khi đó, BoK đang xem xét việc có cần tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để bàn thảo về khả năng cắt giảm lãi suất hay không.

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

 
.
.
.