.

Liên hợp quốc kêu gọi các nước tăng cường ứng phó chống dịch bệnh COVID-19

Cập nhật: 08:03, 13/03/2020 (GMT+7)

* Mỹ đối mặt nguy cơ giảm phát

* OPEC giảm dự báo nhu cầu dầu

Ngày 11/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các chính phủ trên thế giới khẩn cấp tăng cường ứng phó chống dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Do dịch COVID-19 khiến giá nhiên liệu và nhu cầu đi lại của người dân Mỹ giảm mạnh.
Do dịch COVID-19 khiến giá nhiên liệu và nhu cầu đi lại của người dân Mỹ giảm mạnh.

Tổng Thư ký Guterres nêu rõ: “Việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch ngày hôm nay là một lời kêu gọi hành động gửi tới mọi người ở mọi nơi trên thế giới. Chúng ta vẫn có thể chặn đứng diễn tiến của đại dịch này, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc phải hành động. Tôi kêu gọi tất cả các chính phủ tăng cường các nỗ lực ngay từ bây giờ”.

Tổng Thư ký nhấn mạnh: “Khoa học đã cho thấy nếu các nước phát hiện, thử nghiệm, điều trị, cách ly, giám sát và huy động toàn dân ứng phó, chúng ta có thể tiến một bước dài trong việc giảm thiểu sự lây nhiễm”.

Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc đánh giá việc WHO tuyên bố đại dịch “cũng là một lời kêu gọi mọi người cần có trách nhiệm và đoàn kết, các quốc gia cần đoàn kết lại, mọi người đoàn kết lại”. Ông lưu ý mỗi cá nhân không được phép để nỗi sợ hãi lây lan nhanh và phải thể hiện tình đoàn kết với những người dễ bị tổn thương nhất, gồm người già, người ốm yếu, những người không được chăm sóc y tế đầy đủ và những người nghèo.

Trước đó cùng ngày, WHO đã chính thức tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là đại dịch, đồng thời khẳng định sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của dịch như hiện nay là do con người đã “thụ động đến mức đáng báo động”.

*Bộ Lao động Mỹ ngày 12/3 công bố các số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 chỉ tăng 0,1% do dịch COVID-19 khiến giá nhiên liệu và nhu cầu đi lại giảm mạnh.

Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo Ngân hàng Trung ương Mỹ giờ đây đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan là tình trạng giảm phát.

Chỉ số CPI là yếu tố đầu tiên phản ánh các tác động của dịch COVID-19 tại Mỹ, theo đó giá năng lượng nói chung giảm 2%, trong đó giá xăng giảm 3,4% và giá dầu giảm 8,5%. Tiền chi cho các hoạt động giải trí và đi lại bằng hàng không cũng giảm.

Khi các thị trường đang chao đảo vì dịch COVID-19, tuần trước Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp đầu tiên kể từ năm 2008, đưa về mức giao động 1-1,25%.

Khi các triển vọng kinh tế rất bấp bênh, các nhà đầu tư dự báo Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách ngày 17-18/3 tới.

Các chuyên gia tại Oxford Economics nhận định báo cáo của bộ trên “cho thấy hậu quả chung của dịch COVID-19 gây tác động giảm phát vì đây không chỉ là một cú sốc về nguồn cung mà còn là cú sốc lớn về cầu”.

*Trong một diễn biến khác, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 12/3 giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm nay, do tác động của dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo có thể sẽ tiếp tục phải làm điều tương tự.

Trong báo cáo hàng tháng mới nhất, OPEC đã dự báo nhu cầu dầu trung bình hàng ngày của thế giới là 99,73 thùng, giảm 0,92 thùng/ngày so với dự báo trước đó. OPEC cho biết: “Tính đến các diễn biến mới nhất... có thể sẽ tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu nếu tình hình hiện nay kéo dài”.

Dịch COVID-19 đã gây xáo trộn lớn về kinh tế tại Trung Quốc và trên thế giới, khi chính quyền các nước áp đặt nhiều biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của virus, tác động đến nhu cầu về dầu.

BÍCH LIÊN (TTXVN)

.
.
.