Thủ tướng Tunisia gặp trở ngại khi thành lập chính phủ
Ngày 16/2, ông Elyes Fakhfakh - người được chỉ định giữ chức Thủ tướng Tunisia - đã công bố thành phần nội các mới do ông đề xuất, tuy nhiên ngay lập tức đã gặp trở ngại sau khi đảng Ennahdha tuyên bố rút khỏi chính phủ. Nội các mới gồm 31 thành viên, trong đó có 6 thành viên nữ, gồm 4 bộ trưởng và 2 quốc vụ khanh.
Tại cuộc họp báo, ông Fakhfakh cho biết ông đã nhất trí với Tổng thống Kais Saied tiếp tục tham vấn các đảng và các liên minh trong quốc hội về việc thành lập chính phủ cho đến khi hết thời hạn chót theo quy định của hiến pháp là ngày 20/2 tới.
Vài giờ trước khi ông Fakhfakh công bố danh sách nội các mới, đảng Ennahdha tuyên bố rút khỏi chính phủ. Ông Fakhfakh nhấn mạnh động thái này của đảng Ennahdha khiến việc thành lập chính phủ mới ở Tunisia rơi vào tình thế khó khăn.
Đảng Ennahdha nắm giữ nhiều ghế nhất trong Quốc hội Tunisia trong cuộc bầu cử hồi tháng 10 vừa qua. Đảng này phản đối việc ông Fakhfakh loại đảng Qalb Tounes ra khỏi thành phần chính phủ mới. Đảng Ennahdha nắm giữ 54 ghế tại Quốc hội và đảng Qalb Tounes giữ 38 ghế.
Trong cuộc bầu cử lập pháp ở Tunisia tháng 10/2019, đảng Ennahdha giành được nhiều ghế nhất nhưng không đủ đa số trong quốc hội để tự thành lập chính phủ và phải liên minh với các đảng khác.
Đảng Ennahdha đã chỉ định ông Habib Jemli làm Thủ tướng đứng ra thành lập chính phủ và ông Jemli đã đề xuất danh sách nội các mới. Tuy nhiên, sau nhiều tháng thương lượng, ngày 10/1 vừa qua, Quốc hội Tunisia đã bác bỏ danh sách nội các do ông Jemli đề xuất.
Ngày 20/1, Tổng thống Tunisia Kais Saied đã chỉ định cựu Bộ trưởng Tài chính Elyes Fakhfakh làm Thủ tướng, với nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới “sớm nhất có thể”. Ông Fakhfakh có thời hạn một tháng để thành lập một chính phủ liên hiệp mới và trình quốc hội thông qua, với ít nhất 109 phiếu ủng hộ trong tổng số 217 nghị sĩ.
Nếu không thành lập được chính phủ mới, Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội và yêu cầu tiến hành một cuộc bầu cử sớm.
THANH HÒA (TTXVN)