.

CON NGƯỜI VỚI GIẤC MỘNG TRƯỜNG SINH BẤT TỬ? - Kỳ 2: Có "thức dậy" được không?

Cập nhật: 08:27, 15/02/2020 (GMT+7)

Làm thay tạo hóa

Tháng 4/2014, một bé gái tên là Matheryn Naovaratpong, ở Bangkok, Thái Lan, lúc thức giấc vào buổi sáng thì không ngồi dậy được vì “nhức đầu, tay chân như tê liệt, mắt không thể nhắm, uống sữa thì trào ra”. Đưa đến bệnh viện và sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận Naovaratpong bị một khối u kích thước 11cm ở não trái. Đây là dạng ung thư ependymoblastoma, rất hiếm gặp ở trẻ em, tỉ lệ tử vong sau 5 năm điều trị tích cực là 70% nhưng thông thường, 96% người bệnh chết ngay trong năm đầu tiên.

Thùng ni tơ lỏng, nơi chứa những người ngủ đông đợi ngày hồi sinh.
Thùng ni tơ lỏng, nơi chứa những người ngủ đông đợi ngày hồi sinh.

Vào bệnh viện vài ngày, Naovaratpong nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn mê. Hơn 1 tháng sau đó, cô bé phải chịu 3 lần mổ não, 9 đợt hóa trị nhưng cuối cùng, các bác sĩ đành phải buông tay.

Ngày 8/1/2015, khi được thông báo rằng Naovaratpong sẽ chết nếu gia đình đồng ý rút máy trợ hô hấp thì lập tức, cha cô bé đã liên hệ với Công ty Alcor để nhờ bảo quản con gái mình bằng phương pháp “ngủ đông” với hy vọng một ngày nào đó, nếu y học tìm ra phương pháp chữa bệnh ung thư ependymoblastoma thì cô bé sẽ được làm cho “tỉnh dậy”.

Ba ngày sau, một nhóm chuyên gia của Công ty Alcor từ Mỹ bay sang Thái Lan với nhiều thiết bị. Đầu tiên, họ tiến hành hồi sức tích cực cho Naovaratpong để máu lưu thông đến tất cả các cơ quan lần cuối cùng. Tiếp theo, họ lấy hết máu rồi bơm vào người Naovaratpong 16 loại hóa chất. Cuối cùng, việc “ngủ đông” được xử lý bằng nitơ lỏng, cứ mỗi tiếng đồng hồ nhiệt độ cơ thể Naovaratpong lại hạ thấp 10C cho đến khi đạt được âm 1960C. Toàn bộ công đoạn này, gia đình Naovaratpong phải trả cho Công ty Alcor 220.000USD và mỗi năm, gia đình cô bé còn phải trả thêm 770USD nữa, gọi là “phí duy trì”.

Thành lập năm 1972 tại bang California, Mỹ, bởi Fred Chamberlain cùng vợ là Linda dưới hình thức một tổ chức phi lợi nhuận. Thoạt đầu Công ty Alcor có tên là “Hội hạ thân nhiệt liên bang”. Đến năm 1977, “Hội hạ thân nhiệt liên bang” đổi tên thành “Quỹ mở rộng cuộc sống Alcor - hay còn được gọi là Công ty Alcor”, và được luật pháp Mỹ cho phép hoạt động trong lĩnh vực bảo quản cơ thể con người bằng hình thức đông lạnh, phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

Thời điểm mới thành lập, tất cả mọi nghiên cứu về “ngủ đông” của Công ty Alcor đều phải nhờ vào phòng thí nghiệm của Công ty Cryovita, do bác sĩ phẫu thuật Jerry Leaf lãnh đạo. Năm 1980, bác sĩ Jerry Leaf chết. Trước khi qua đời, ông cũng được Alcor đông lạnh để chờ hồi sinh! Tính đến ngày 31/5/2016, Công ty Alcor đã có 1.448 thành viên, trong đó 227 thành viên đang chờ được đông lạnh và 146 thành viên đã được đông lạnh. Trong đó nhiều người chọn hình thức đông lạnh toàn thân nhưng cũng có người chỉ chọn đông lạnh bộ não.

Sau khi “rã đông”,  người ta sẽ như thế nào?

Cho đến nay, tất cả thân chủ của Công ty Alcor đang “ngủ đông” vẫn chưa ai được làm cho “tỉnh dậy” nên chẳng rõ lúc “thức dậy”, họ sẽ ra sao? Tuy nhiên, các nhà khoa học dựa vào trường hợp của một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ tên là Bulent Sonmez để tạm thời dự đoán tương lai khi “sống lại”.

Bulent Sonmez, 40 tuổi, ở Ankara, được gia đình đưa vào bệnh viện vì một cơn đau tim nhưng các bác sĩ chưa kịp xử lý thì tim ông ngừng đập. Trong những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu sống Bulent, các bác sĩ quyết định hạ thân nhiệt ông ta xuống 300C bằng cách đặt Bulent vào một bồn tắm chứa nước lạnh nhằm hạn chế các tác động do thiếu oxy ở các cơ quan nội tạng.

Chỉ vài phút, tim của Bulent đập trở lại. Trong 24 giờ sau đó, các bác sĩ duy trì nhịp tim, đưa nhiệt độ cơ thể về mức bình thường. Tuy nhiên, lúc đã tỉnh, người đàn ông này không hề nhớ rằng mình đã có vợ, 2 con - kể cả khi vợ Bulent đưa những tấm hình chụp gia đình ra, ông ta vẫn thờ ơ như thể nhìn thấy người xa lạ. Bác sĩ Omer Zuhtu, người đã trực tiếp điều trị cho Bulent suy luận rằng có thể hiện tượng thiếu oxy não đã phá hủy một phần vỏ não, nơi lưu giữ những gì tai nghe mắt thấy.

Theo các chuyên gia tế bào học, nơ ron thần kinh là thành phần đặc biệt nhất trong cơ thể. Ở những cơ quan khác, khi lớp tế bào già chết đi thì lập tức có một lớp tế bào mới ra đời, nhằm thay thế lớp đã chết nhưng nơ ron thần kinh thì không. Nó chỉ chết đi chứ không bao giờ sinh sản.

Ở nhiệt độ âm 1960C, nơ ron thần kinh hầu như không hoạt động nên nó cũng không chết. Vì vậy, khi “rã đông”, hệ thần kinh có thể vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng câu hỏi đặt ra là sự dẫn truyền các mệnh lệnh từ não bộ thông qua các nơ ron đến tất cả mọi bộ phận trong cơ thể lúc ấy có còn thực hiện được không? Hay bảo giơ tay phải thì nó giơ tay trái, bảo đứng nó lại ngồi hoặc tệ hơn, một ông tiến sĩ toán học sau khi “rã đông”, kiến thức tính toán cũng chỉ bằng một bà bán hàng rong ngoài chợ…

Thế nên, câu trả lời bây giờ là “hãy đợi đến lúc Alcor “rã đông” ông A., bà B. thì mới biết chắc chắn được!”.

VŨ CAO (Theo Sience News)

.
.
.