Lời nguyền Hindu và con mắt của thần Shiva - Kỳ 1: Số phận những kẻ chiếm giữ con mắt thần

Thứ Bảy, 29/02/2020, 16:07 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 1666, nhóm thợ mỏ khai thác khoáng sản ở vùng Kollur, quận Guntur, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ, tìm thấy một viên kim cương màu xanh biếc, nặng 22g (119 carat). Được tiểu vương Vijaya mua lại rồi gắn vào trán bức tượng thần Shiva (thần hủy diệt) tại đền thờ ở bang Rajasthan. Tín đồ Hindu gọi nó là “con mắt của thần”. Năm 1667, con mắt thần Shiva bị đánh cắp. Từ đó, tất cả những ai dính líu đến nó đều gặp phải những tai ương kinh hoàng…

Tavernier, kẻ đã lấy cắp “Con mắt thần Shiva” ở đền thờ Tarameshwara.
Tavernier, kẻ đã lấy cắp “Con mắt thần Shiva” ở đền thờ Tarameshwara.

Tháng 6/1667, trong lúc tìm mua ngà voi ở bang Rajasthan, Ấn Độ, Jean-Baptiste Tavernier, thương nhân người Pháp tình cờ ghé thăm đền thờ Tarameshwara của người theo đạo Hindu (hay còn gọi là Ấn Độ giáo). Khi thấy bức tượng thần Shiva và nhất là viên kim cương màu xanh biếc gắn trên trán tượng, Tavernier nảy ra ý định đánh cắp vì ông biết nó là loại vô cùng hiếm gặp.

Sau nhiều ngày quan sát, Tavernier nhận ra rằng mỗi tối, các tăng lữ trông coi đền thờ đều ngủ ở dãy nhà phía sau, còn trong đền thì chẳng ai canh gác. Lợi dụng một đêm không trăng, Tavernier đột nhập vào đền, lấy trộm “con mắt thần”, đồng thời trộm luôn 24 viên kim cương khác gắn ở chiếc vòng đeo trên cổ bức tượng. Mỗi viên này có trọng lượng 3g.

Khi phát hiện thần Shiva “mất mắt”, tăng lữ đền thờ Tarameshwara tổ chức một buổi lễ. Họ giết 1 con dê để tế thần rồi phát đi lời nguyền: Tất cả những ai sở hữu “mắt thần” đều sẽ gặp phải những chuyện chí tử!

Trộm được “mắt thần Shiva”, Tavernier mang về Pháp rồi thuê thợ kim hoàn gọt cắt. Năm 1669, qua người môi giới là chủ một cửa hàng trang sức ở Paris, Tavernier bán cho vua Louis 14 với giá 220.000 livres (đơn vị tiền tệ Pháp thời bấy giờ), tương đương 147kg vàng nguyên chất!

Năm 1687, Tavernier đi Thụy Sĩ. Tháng 2/1689, ông đến Berlin, Đức, rồi tiếp theo là Copenhagen, Đan Mạch. Sau đó, Tavernier sang Nga. Theo quy định của Sa hoàng Gallatin lúc bấy giờ, mọi người nước ngoài đến Moscow đều phải cư trú ở vùng ngoại ô Nemetskaya Sloboda. Tại đây, Tavernier nổi tiếng hào phóng. Mỗi lần vào quán rượu, ông mời tất cả những ai có mặt và thanh toán bằng những đồng rup vàng.

Tavernier đến nước Nga không phải để du lịch mà để tìm cách đánh cắp những báu vật trưng bày trong bảo tàng riêng của Czar Piotr (Sa hoàng Piotr). Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện thì tháng 11/1689, Tavernier bị sốt phát ban rồi chết. Mộ ông bị những con chó hoang moi lên, xác ông bị xâu xé. Việc cải táng chỉ còn có hộp sọ và 2 ống xương đùi.

Sau khi mua “con mắt thần Shiva” rồi đặt tên cho nó là “Giọt sương của Chúa”, vua Louis 14 ra lệnh cho thợ kim hoàn Sieur Pitau gọt thành hình quả trứng. Tiếp theo, thợ kim hoàn André Jacquemin đính nó vào một dải ruy băng, xung quanh ghép 83 viên kim cương màu đỏ và 113 viên kim cương màu vàng để Louis 14 đeo trong các buổi đại lễ.  

Tháng 9/1872, Cách mạng Pháp nổ ra, Louis 14 và gia đình bị bắt giam. Lợi dụng sự hỗn loạn, 2 tên trộm là Guillot và Lancry de la Loyelle đột nhập vào khu lưu trữ Hoàng gia (Hôtel du Garde-Meuble de la Couronne - nay là Hôtel de la Marine). Suốt 5 ngày, họ lục lọi, lấy đi rất nhiều báu vật, trong đó có “Giọt sương của Chúa”.

Ngày 21/1/1873, Louis 14 bị quân cách mạng chặt đầu. 10 tháng sau đó, vợ ông, Hoàng hậu Marie Antoinette cũng bị chặt đầu, đúng với lời nguyền của các tăng lữ Hindu mặc dù bà Antoinette chưa lần nào đeo dải ruy băng có “Giọt sương của Chúa”.

Hệ lụy từ lời nguyền của các tăng lữ Hindu còn kéo theo Nicholas Fouquet, Bộ trưởng Tài chính dưới thời Louis 14. Trong một buổi lễ, Louis 14 cho phép ông này được đeo dải ruy băng có “Giọt sương của Chúa”. Khi phong trào Cách mạng Pháp nổi dậy, vua Louis 14 nghi ngờ Nicholas Fouquet là nội gián nên đã kết án Fouquet tù chung thân. Ngồi tù suốt 15 năm trong pháo đài Pignerol, mãi đến năm 1885 Fouquet mới được thả mà lý do là mặc dù cách mạng đã thành công, nhưng những người thuộc phe cách mạng vẫn kết tội Fouquet “làm giàu cho Louis 14!”. Chỉ đeo “Giọt sương” vài phút nhưng Fouquet phải trả giá đến gần 1/4 đời người!

Cũng là nạn nhân “Giọt sương của Chúa” còn có Marie Louise, công chúa xứ Lamballe, bạn thân của Hoàng hậu Marie Antoinette. Trước đó, khi đến thăm Antoinette, Marie Louise được Antoinette cho xem dải ruy băng có “Giọt sương”. Mới chỉ ướm thử vào cổ thôi nhưng khi cách mạng nổ ra, Marie Louise bị chặt đầu. Đầu Marie Louise bị cắm vào sừng một con dê rồi con dê ấy được dẫn đến nhà tù, nơi giam giữ Hoàng hậu Marie Antoinette để bà chứng kiến…

VŨ CAO 

(Theo Shiva Eye Mysterious)

----------

Kỳ 2: Không ai thoát khỏi lời nguyền

;
.