Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ mong muốn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.
Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Pháp Macron tại hội nghị ở Istabul ngày 27/10/2018. (Nguồn: AFP) |
Hai nhà lãnh đạo Đức, Pháp đưa ra ý kiến trên trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin ngày 20/2. Theo văn phòng Thủ tướng Đức, trong cuộc điện đàm, bà Merkel và ông Macron đã bày tỏ lo ngại về thảm họa nhân đạo đối người dân ở tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy Syria. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi lập tức chấm dứt giao tranh và mở hành lang nhân đạo cho người dân gặp khó khăn. Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp bày tỏ sẵn sàng gặp hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện tại ở Syria.
Cuộc điện đàm trên diễn ra trong bối cảnh lực lượng nổi dậy Syria - được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, ngày 20/2 đã tiến hành cuộc tấn công nhằm vào quân đội Syria tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Theo quân đội Nga, các binh sĩ Chính phủ Syria được máy bay chiến đấu Nga yểm trợ đã đẩy lùi một số cuộc tấn công quy mô lớn do quân nổi dậy thực hiện tại tỉnh này.
Trong một tuyên bố, Trung tâm Hòa giải Nga ở Syria cho biết, quân nổi dậy Syria được sự yểm trợ của pháo binh thuộc Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã phá vỡ hàng phòng thủ của quân đội Syria. Máy bay tiêm kích Su-24 của Nga đã tiến hành không kích giúp quân đội Syria đẩy lùi mọi cuộc tấn công của quân nổi dậy. Quân chính phủ Syria đã phá hủy một xe tăng, 6 xe chiến đấu trên bộ và 5 xe tải được trang bị vũ khí cỡ nòng lớn của quân nổi dậy.
Cũng theo thông báo, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng nã pháo sau khi nhận được thông tin của Nga cho biết 4 binh sĩ Syria bị thương do đợt nã pháo này.
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ít nhất 11 chiến binh ủng hộ Chính phủ Syria và 2 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cùng với 14 tay súng nổi dậy đã thiệt mạng trong các vụ giao tranh ngày 20/2.
Trước tình hình trên, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố hối thúc phía Thổ Nhĩ Kỳ ngừng hỗ trợ cũng như cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy tại Syria nhằm tránh các sự cố đáng tiếc.
Trước đó, phát biểu với hãng CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar khẳng định nước này “không tìm cách đối đầu với Nga” liên quan chiến dịch của Syria chống quân nổi dậy tại khu vực giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Akar cho biết thêm khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận hệ thống phòng không Patriot của Mỹ để giúp bảo vệ lực lượng nước này.
Năm 2018, Nga - đồng minh quan trọng của Chính phủ Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ - ủng hộ một số nhóm phiến quân tại Syria, đã ký kết thỏa thuận thiết lập vùng giảm căng thẳng tại Idlib.
Trong vài tuần qua, bạo lực gia tăng tại đây trong bối cảnh lực lượng Chính phủ Syria, với sự hậu thuẫn của Nga, đạt nhiều tiến triển trong chiến dịch giành lại khu vực được coi là thành lũy cuối cùng của quân nổi dậy tại Syria này. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chiến dịch trên vi phạm thỏa thuận đã ký kết và tiến hành các cuộc tấn công đáp trả.
Theo LHQ, giao tranh tại tỉnh Idlib đã dẫn đến làn sóng di cư lớn nhất từ trước tới nay. Khoảng 900.000 người, trong đó có 500.000 trẻ em, đã phải rời nhà đi lánh nạn kể từ tháng 12/2019. Cùng ngày 20/2, LHQ cho biết mặc dù các vụ không kích chưa chấm dứt tại 2 tỉnh Idlib và Aleppo, LHQ tiến hành hoạt động viện trợ quy mô lớn qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ đến khu vực Tây Bắc Syria để hỗ trợ dân thường.
Theo người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric, LHQ rất lo ngại về sự an toàn của 3 triệu dân thường tại tỉnh Idlib và những khu vực lân cận ở Tây Bắc Syria trong bối cảnh các báo cáo cho thấy các cuộc không kích và nã pháo tiếp diễn gây thương vong lớn cho dân thường trong 24 giờ qua. Ông Dujarric cho biết ít nhất 15 cộng đồng được cho là bị trúng không kích và 11 cộng đồng bị nã pháo.
Khoảng 1.227 xe tải chở hàng viện trợ đi qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ đến Tây Bắc Syria hồi tháng trước, nhiều hơn so với con số 928 xe tháng 12/2019. Đây là đợt viện trợ quy mô lớn nhất của LHQ chuyển qua khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria kể từ khi bắt đầu hoạt động này năm 2014.
NGUYỄN HẰNG