Ngày 20/1, chiếc tàu du lịch Diamond Princess với 2.700 người khởi hành từ cảng Yokohama, Nhật Bản, sau khi ghé Hong Kong, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei trong một hành trình dài 16 ngày thì ngày 3/2, lúc quay lại Nhật, một du khách Hong Kong được xác định là đã nhiễm virus CoVid-19.
Tàu Diamond Princess. |
Từ đó đến ngày 18/2, số người nhiễm đã lên đến hơn 700. Một chuyến hải trình đầy ảm đạm trên du thuyền siêu sang, với những nỗi ám ảnh khó quên đối với mỗi hành khách. Nhiều người trong số họ đã chọn chuyến hải trình cho một lễ tình nhân đặc biệt và rồi ngày 14/2 khó quên nhất trong đời đã xảy đến… khi con tàu bị cách ly giữa biển khơi.
Sáng 14/2, Jessica, nữ du khách người Mỹ 21 tuổi thức dậy trong tâm trạng đầy lo âu, chán nản. Trả lời phóng viên Tạp chí Người Du lịch - Traveller Magazine - qua điện thoại, Jessica nói: “Tôi không biết bao giờ bi kịch này mới chấm dứt. Tôi chỉ muốn về nhà. Nghe nói Chính Phủ Mỹ đang thảo luận với Chính phủ Nhật Bản để họ cho phép chúng tôi được lên bờ. Lẽ ra giờ này tôi đang cùng bạn trai tôi đi mua sắm cho Ngày Tình nhân, thế mà tôi lại bị cách ly ở đây…”.
Cùng cảnh ngộ như Jessica nhưng anh Kent Frasure thì bi đát hơn. Vừa thành hôn xong, hai vợ chồng Kent Frasure chọn tàu Diamond Princess làm nơi hưởng tuần trăng mật và buổi tối lãng mạn của Ngày Tình nhân trên tàu sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên. Thế nhưng định mệnh oái oăm đã khiến vợ anh nhiễm virus CoVid-19. Trả lời Kênh truyền hình CNBC, Kent Frasure ngậm ngùi: “Vợ tôi bị buộc lên bờ chữa trị còn tôi phải ở lại tàu để cách ly. Chúng tôi tạm biệt nhau nhưng không dám hôn nhau. Nhìn vợ tôi đi xuống cầu tàu, tôi chỉ muốn khóc”.
Các cabin trên tàu Diamond Princess đều bị ngăn cách để tránh tiếp xúc trực tiếp. Du khách phải tự giặt quần áo rồi phơi trước cửa phòng. |
Với Matt Smith, 57 tuổi, cùng vợ là Katherine Codekas đón ngày 14/2 trong một cabin ở khoang hạng nhất. Ông cho biết thoạt đầu không dự định sẽ đi du lịch bằng tàu Diamond Princess vì theo ông: “Sau 21 năm chung sống, chúng tôi chẳng muốn tổ chức rầm rộ mà thường tôi chỉ tặng Katherine một tấm bưu thiếp nhưng năm nay, tôi chiều theo ý vợ tôi. Tôi biết vợ tôi đang thất vọng với hoàn cảnh hiện tại…”.
Mở đầu ngày 14/2 - Ngày Tình nhân - du khách trên tàu Diamond Princess được mời dùng một bữa sáng đặc biệt. Gọi là “đặc biệt” bởi lẽ thay vì bữa tự chọn (buffet) như thường lệ, nhà bếp dọn cho họ trứng luộc chín, xúc xích và nấm áp chảo. Một số du khách nghi ngờ rằng thực phẩm dự trữ trên tàu đã hết nhưng họ đã lập tức được trấn an. Natalie, phụ trách lĩnh vực giải trí trên tàu, trong bộ váy áo màu đỏ, tóc cài nơ, khích lệ: “Đây không phải là bộ trang phục mà tôi vẫn thường mặc kể từ khi chúng ta khởi hành. Đây là bộ váy áo dành cho Ngày Tình nhân. Tôi chỉ muốn cùng mọi người chụp ảnh và cùng nói “chúng tôi đều ổn, chúng tôi đang vượt qua khó khăn và đang sống với nhau như một gia đình lớn”.
Cũng với mục đích nâng cao tinh thần du khách, những người phải ở lại tàu để cách ly, ngay trong ngày 14/2, Chính phủ Nhật đã gửi 2.000 chiếc điện thoại iPhone cho 2.000 phòng trên tàu với ứng dụng cài sẵn để giúp du khách có thể cập nhật thông tin y tế chính thức, cũng như liên hệ với bác sĩ khi cần. Riêng thực đơn bữa tối ngày 14/2 xem ra khá thịnh soạn: Quả bơ nghiền ăn kèm với trái ô liu đen, gọi là “Thần Tình yêu - Cupid” và xà lách tôm được chọn làm món khai vị. Tiếp đến là tôm Valentine nấu theo kiểu Nhật cùng cơm với rau. Món chính là gà sốt rượu vang Coq au Vin, Pháp, còn món tráng miệng được giữ bí mật để dành sự bất ngờ cho du khách.
Theo ông Clementine, đầu bếp trên tàu Diamond Princess, hầu hết du khách đều cảm thấy vui vẻ trong Ngày Tình nhân mặc dù chưa biết hôm nào họ mới được lên bờ vì số người nhiễm Virus CoVid-19 mỗi ngày mỗi tăng lên. Nữ du khách Yardley Wong viết trên mạng Twitter: “Coq au Vin! Vâng, cảm ơn bữa ăn đặc biệt trong ngày Valentine, một chai rượu vang đỏ”. Bà cũng đăng bức tranh do đứa con trai 6 tuổi vẽ với chú thích “Mạnh mẽ lên, chúng tôi luôn sát cánh cùng Diamond Princess”. Với nữ hành khách Cathrine, 18 tuổi, cô cắt các mẩu giấy hình trái tim, treo ngoài cửa sổ cabin để các thủy thủ đọc được dòng chữ: “Cảm ơn các anh vì đã chăm lo cho chúng tôi trong một nỗ lực rất đáng khâm phục”.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều lạc quan. Trong khi khá nhiều du khách đang bị cách ly phải đối mặt với nỗi buồn cô lập, sợ hãi và cả sự nhàm chán vì ngày nào cũng vậy, họ bị buộc ở trong phòng và chỉ được phép ra ngoài hành lang vài tiếng để phơi nắng, một số thủy thủ trên tàu đã lên tiếng lo ngại về tình hình sinh hoạt của họ, trong đó có việc ăn chung, ngủ chung cabin. Nhiều người gọi đây là “Ngày Tình nhân ảm đạm” nhất đời họ. Chưa hết, nếu theo đúng quy định thì Chủ nhật 16/2 là hết thời gian cách ly nhưng Chính phủ Nhật ra thông báo rằng họ sẽ áp dụng một phương pháp xét nghiệm mới vào thứ ba (18/2), và thời gian để có kết quả mất khoảng 3 ngày.
Về phía Mỹ, Chính phủ Mỹ thông báo cho các công dân Mỹ đang có mặt trên tàu rằng chuyến máy bay đưa họ về nước sẽ đến Yokohama, Nhật Bản vào tối Chủ nhật 16/2 nhưng khi đến Mỹ, họ vẫn phải chịu cách ly 14 ngày tại căn cứ không quân Travis gần thành phố Sacramento, bang California và căn cứ không quân Lackland, bang Texas. Những người “chưa muốn về” có thể sẽ phải “không được trở về trong một khoảng thời gian”, còn “khoảng thời gian” ấy là bao nhiêu lâu thì tùy thuộc vào quyết định của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Và sự thật đã là như thế. Họ đã có một hành trình quá dài để được “an toàn về nhà”.
Vũ Cao
(Theo Traveller Magazine)