Khi dịch COVID-19 bùng phát, một trong những mặt hàng khan hiếm nhất trên thị trường chính là chiếc khẩu trang, nhưng ít ai biết nó ra đời từ năm 1619 bởi bác sĩ Charles de Lorme, người Pháp.
Khẩu trang có hình dạng mỏ chim năm 1619. |
Năm 1619, bác sĩ Charles de Lorme làm việc tại Bệnh viện St Louis, Paris, Pháp, nhận thấy khá nhiều đồng nghiệp của ông bị lây nhiễm khi tham gia những ca mổ tử thi bệnh nhân chết vì dịch hạch. Do y học ngày ấy chưa phát triển nên Charles de Lorme cho rằng chính cái mùi “tử khí” là nguyên nhân gây bệnh.
Vì thế, theo Charles de Lorme, cần phải cách ly cái mũi của bác sĩ khỏi “tử khí”. Sau nhiều ngày nghiên cứu, Charles de Lorme cho ra đời chiếc khẩu trang đầu tiên của nhân loại. Nó có hình dạng như mỏ của một con chim. Bên trong mỏ, Charles de Lorme bỏ vào một số thảo mộc tỏa ra mùi thơm rồi may dính liền với áo choàng. Cho đến giữa thế kỷ 18, các bác sĩ phẫu thuật ở Pháp vẫn dùng loại “khẩu trang” này.
Bước sang thế kỷ 19 - năm 1827 - Fernandez Carlos, bác sĩ người Tây Ban Nha thiết kế chiếc khẩu trang dựa trên hình dáng của tấm chàng mạng mà phụ nữ Arab dùng để che mặt. Ở phần trên, nó có dây buộc vòng quanh đầu còn phần dưới may liền vào áo choàng. Tuy nhiên, lúc nhiều bác sĩ nhiễm bệnh lao trong quá trình thăm khám người bệnh thì loại khẩu trang này bị hủy bỏ vì họ tin rằng bệnh lao có thể đi xuyên qua vải mặc dù nguyên nhân thực tế là do khẩu trang không che kín được mũi và miệng.
Trong 2 năm 1918-1919, đại dịch cúm Tây Ban Nha lây nhiễm cho 500 triệu người và giết chết khoảng 50 triệu người. Khi ấy, các bác sĩ biết rằng bệnh nhân cúm khi ho sẽ truyền bệnh cho người khác nên họ chế ra loại khẩu trang chỉ che kín phần miệng. Một thời gian ngắn sau, họ lại thấy rằng sự hắt hơi cũng có thể phát tán mầm bệnh nên lần này, họ cho ra đời chiếc khẩu trang chỉ che kín phần mũi!
Lúc bấy giờ, khẩu trang may bằng 2 lớp vải cotton rồi được phủ một lớp hồ ở mặt ngoài để tạo hình chóp nón và có độ cứng. Điều bất tiện là khi giặt để tái sử dụng, lớp hồ trôi hết nên phải hồ lại, chưa kể nếu gặp nước hoặc đi ngoài mưa, hồ tan ra gây dính, nhớp, bụi bặm bám đầy vào lớp hồ ướt.
Thập niên 1930, khi ngành nhựa phát triển, khẩu trang được làm bằng nhựa trong suốt. Nó dễ dàng chùi rửa nhưng đeo vào chỉ khoảng 15 phút, người đeo sẽ thấy khó thở vì nó quá kín. Và bởi vì lớp nhựa rất mỏng, dễ bị biến dạng khi đeo nên nó còn có một chiếc đai kim loại ràng quanh khiến nó khá nặng nề.
Trong thế chiến II, khẩu trang tiến thêm một bước nữa. Nó được may 4 lớp bằng 4 loại vải khác nhau và được phủ than hoạt tính. Đến năm 1976, khi công nghệ vải không dệt ra đời, chiếc khẩu trang có hình dạng như ngày nay.
Hiện tại, có khá nhiều loại khẩu trang đang lưu hành khắp thế giới, từ loại kháng khuẩn, kháng bụi đến loại kháng bụi mịn và thậm chí kháng cả bụi phóng xạ. Theo Tạp chí Health and Live - Sức khỏe và Đời sống, Đan Mạch là 1 trong 4 quốc gia mà người dân hầu như chẳng bao giờ phải đeo khẩu trang bởi chất lượng không khí quá tốt. Hơn 70% dân Đan Mạch dùng xe đạp trong cuộc sống hàng ngày. 3 quốc gia còn lại là Iceland, Phần Lan và Thụy Điển.
VĂN VŨ (Theo Medical History)