30 tuổi, Bout đã trở thành tỉ phú với một phi đội máy bay vận tải gồm 60 chiếc, đăng ký ở Cộng hòa Trung Phi dưới tên gọi rất hiền lành: “Công ty vận tải hàng không dân sự Trung Phi Viktor Bout”. Chỉ 3 ngày sau khi cuộc chiến tranh giữa Israel và Hezbollah nổ ra, Viktor Bout đã có một cuộc họp với một số lãnh đạo cao cấp của Hezbollah trong một ngôi nhà ở ngoại ô TP.Beirut mà nội dung không ngoài việc mua bán vũ khí.
Viktor Bout (bên trái) trong một chuyến bay chở vũ khí đến Congo năm 2001. |
Thời điểm cuộc chiến tranh giữa Israel và Hezbollah nổ ra và nhất là khi một máy bay dân dụng của Israel bị Hezbollah bắn rơi bằng tên lửa mua của Viktor Bout thì cái tên “thương gia tử thần” bắt đầu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Kết quả là nhiều quốc gia quyết định hành động nhằm loại trừ Bout. Một nhà báo Bỉ, Dirk Draulans, năm 2001 đã đọc một báo cáo về những phi vụ buôn bán vũ khí của Bout trước Liên hợp quốc. Để có bản báo cáo này, Draulans đã bám theo Bout đến tận Congo, nơi ông ta bán 16.000 khẩu súng AK và hơn 2 triệu viên đạn.
Và cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi Bout thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc của Liên hợp quốc: “Tôi là một doanh nhân. Tôi có rất nhiều máy bay và tôi không quan tâm đến những gì người ta thuê tôi vận chuyển bởi đó không phải là trách nhiệm của tôi”. Thế nhưng, bản báo cáo của Dirk Draulans đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ. Theo Petre Hain và Douglas Farah, đồng tác giả của cuốn sách “Thương gia tử thần - Merchants of Death” thì sau vụ khủng bố tòa tháp đôi New York xảy ra vào ngày 11/9/2001, việc ngăn chặn vũ khí chợ đen đã trở thành vấn đề cấp thiết đối với nhiều quốc gia. Dưới áp lực của Chính phủ Mỹ, Rwanda và Congo cắt đứt mọi quan hệ với Viktor Bout, còn Cộng hòa Trung Phi theo yêu cầu của Chính phủ Anh, quyết định đóng cửa hãng hàng không của Bout.
TỬ THẦN SA LƯỚI
Để bắt Viktor Bout, yêu cầu tối quan trọng là phải chứng minh được ông ta là người buôn bán vũ khí chợ đen chứ không phải là kẻ môi giới hay vận chuyển thuê. Sau một quá trình chuẩn bị, đầu năm 2007, thông qua một điệp viên bí mật làm việc cho Cơ quan bài trừ ma túy Mỹ (DEA) làm trung gian, một luật sư người Nam Phi là Andrew Smulian cùng một điệp viên nữa, tự nhận mình là người của Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), đã tiếp cận được với Viktor Bout. Trong cuộc nói chuyện, Smulian đề nghị Bout cung cấp súng đạn cho FARC để đổi lấy một lượng ma túy cocain lên đến hàng tấn. Rất hào hứng, Bout đồng ý rồi cho Smulian một điểm hẹn - là một khách sạn ở Thái Lan để thảo luận về phi vụ này.
Viktor Bout bị dẫn độ từ Thái Lan về Mỹ. |
Cuộc thảo luận được DEA bí mật ghi hình trong gần 1 năm với hàng chục cuộc gặp gỡ - từ Bangkok, Copenhagen đến Curacao, Bucharest - giữa Bout và Smulian cùng “người của FARC” để bàn về chủng loại, số lượng vũ khí, phương thức thanh toán, thời gian, địa điểm giao hàng.
Cuối tháng 3/2008, sau khi có đủ chứng cứ chứng minh Viktor Bout cam kết sẽ cung cấp cho FARC 6.000 khẩu súng, 3 triệu viên đạn, 15 nghìn quả lựu đạn cùng 100 tên lửa Igla chống máy bay, tất cả sẽ được thả dù xuống vùng đất do FARC kiểm soát, Chính phủ Mỹ đã nhờ Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan tiến hành bắt khẩn cấp Viktor Bout rồi sau đó, dẫn độ ông ta về Mỹ.
Năm 2010, Tòa án liên bang Mahattan, Mỹ, đã mở phiên xét xử Viktor Bout với tội danh buôn lậu vũ khí. Ngày 5/4/2012, với sự xuất hiện của nhân chứng là luật sư Andrew Smulian, Viktor Bout bị kết án 25 năm tù giam. Tại phiên tòa, Bout phản bác những luận cứ do phía công tố đưa ra nhằm buộc tội mình: “Nếu quý ông đang định áp dụng những tiêu chuẩn của quý ông cho tôi, thì quý ông cũng nên bỏ tù tất cả những công ty buôn bán vũ khí ở Mỹ”.
Sau khi bị kết án, Viktor Bout được chuyển đến nhà tù Penitentiary, TP.Marion, bang Illinois. Và mặc dù giữa Mỹ và Nga không có hiệp ước dẫn độ nhưng chỉ hơn 1 năm sau đó, Viktor Bout được trả về Nga. Tại đây, sống trong cảnh bần hàn vì tất cả tài sản ở các ngân hàng nước ngoài đã bị đóng băng, Bout kiếm ăn bằng nghề mua bán tuần lộc và… lò sưởi! Trả lời phỏng vấn của một đài phát thanh Nga, Viktor Bout cho biết ông ta “chỉ là vật tế thần trong cuộc chiến chống khủng bố”, còn với cuộc phỏng vấn đăng trên tờ New York Times dưới tựa đề: “Con người và vũ khí - Arms and Man”, Viktor Bout nói: “Thật là kỳ lạ khi thức giấc vào chiều ngày 11/9 (là ngày xảy ra vụ khủng bố tòa tháp đôi New York), tôi thấy tên mình chỉ đứng sau Osama bin Laden trong lúc tôi là một doanh nhân với những thương vụ mua bán rất bình thường (?!)…
VŨ CAO (Theo Merchants of Death)