.

Dự báo một năm 2020 "bất thường" của thị trường dầu mỏ

Cập nhật: 18:10, 22/12/2019 (GMT+7)

Giá dầu thô đầu năm 2019 ở mức gần 60 USD/thùng và có thể sẽ kết thúc năm cũng ở mức giá đó. Tuy nhiên, năm 2020 có thể sẽ là một năm không bình thường của thị trường dầu mỏ. Tờ Financial Times của Anh đã nêu ra 5 yếu tố cần theo dõi trên thị trường dầu mỏ năm 2020.

Một cơ sở khai thác dầu tại Qamishli, Syria. (Nguồn: AFP)
Một cơ sở khai thác dầu tại Qamishli, Syria. (Nguồn: AFP)

Thứ nhất, đó là dầu đá phiến của Mỹ. Triển vọng dầu đá phiến của Mỹ có thể sẽ là yếu tố lớn nhất quyết định diễn biến thị trường dầu mỏ trong năm 2020. Lĩnh vực này đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, gây áp lực lớn lên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khi nguồn cung phát triển nhanh hơn nhu cầu.

Thứ hai, đó là nhu cầu tăng chậm lại. Yếu tố khó lường đối với dầu mỏ là sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu. Nhu cầu dầu mỏ đã gặp khó khăn trong năm 2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đe dọa phá hủy sự phát triển kinh tế kéo dài hàng thập kỷ. Tuy nhiên, nhu cầu dầu vẫn tăng và lần đầu tiên mức trung bình đạt gần 100 triệu thùng mỗi ngày, nhưng các nhà phân tích dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ xuống dưới 1% lần đầu tiên kể từ khi giá dầu sụp đổ năm 2014.

Thứ ba là yếu tố OPEC+, gồm OPEC và các đồng minh như Nga. Từ năm 2016, cơ chế này đã hợp sức để đối chọi với dầu đá phiến của Mỹ và vào đầu tháng 12, các nước đã thực hiện một đợt cắt giảm sản lượng nữa nhằm ngăn chặn khả năng thị trường bị chôn vùi do nguồn cung mới trong nửa đầu năm sau. OPEC+ đã tương đối thành công trong việc hỗ trợ giá dầu ở mức gần 60 USD/thùng, nhưng không mấy người hy vọng rằng họ có thể đẩy dầu lên cao hơn nữa.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của OPEC dự báo rằng năm tới thị trường sẽ tương đối cân bằng, ít nhất là nếu họ duy trì việc cắt giảm sản lượng - và ngụ ý rằng sự cân bằng cung và cầu trong nửa cuối năm sẽ chặt chẽ hơn so với nửa đầu năm, đặc biệt là nếu sản xuất dầu đá phiến của Mỹ chậm lại.

OPEC nhận thấy nhu cầu đối với dầu thô của liên minh này trong năm tới sẽ ở mức khoảng 29,6 triệu thùng/ngày - gần như phù hợp với mức liên minh này sẽ bơm lên sau đợt cắt giảm mới nhất, với việc phần lớn dầu của Iran và Venezuela sẽ bị loại khỏi thị trường vì lệnh trừng phạt của Mỹ.

Yếu tố thứ tư không thể bỏ qua là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đối với thị trường dầu mỏ, sự kiện chính trị lớn của xứ cờ hoa này trong năm 2020 thực sự chỉ liên quan đến Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump. Vị tổng thống - doanh nhân này đã lấy giá dầu thấp hơn làm một phần quan trọng trong chính sách kinh tế của mình đối với các cử tri.

Một số nhà phân tích thậm chí tin rằng điều này góp phần vào quyết định trong tháng này của Saudi Arabia thúc đẩy cắt giảm sản lượng vì nước này có thể thấy rằng việc cắt giảm sản lượng trong năm bầu cử Mỹ có thể sẽ khó khăn hơn.

Và cuối cùng là yếu tố môi trường liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu. Đối với các nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Âu, điều này đang thúc đẩy họ cố gắng tìm kiếm các ngành nghề kinh doanh sạch hơn và suy nghĩ kỹ về tương lai. Điều đáng lo ngại là các ngân hàng có thể bắt đầu hạn chế quyền tiếp cận vốn của các nhà sản xuất dầu.

Những kỳ vọng rằng xu hướng môi trường sẽ có động lực hơn nữa đang gây áp lực lên toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ. Một số nhà phân tích dự báo những năm 2020 có thể là thập kỷ mà mức tiêu thụ dầu mỏ đạt đỉnh.

ĐÌNH THƯ

.
.
.