Nhật Bản tính dỡ tòa nhà đứng vững trước bom nguyên tử
Chính quyền tỉnh Hiroshima lên kế hoạch dỡ bỏ 2 tòa nhà từng đứng vững trong bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố năm 1945.
Tòa nhà tại thành phố Hiroshima dự kiến bị đập bỏ. |
Một ủy ban trong chính quyền tỉnh Hiroshima dự định đập bỏ 2 tòa nhà do tỉnh này sở hữu vào năm 2022. Báo cáo khảo sát địa chất do chính quyền tỉnh công bố năm 2017 kết luận các tòa nhà này có khả năng đổ sập nếu xảy ra động đất cường độ mạnh.
Kế hoạch phá bỏ vấp phải sự phản đối của người dân Hiroshima, dù tòa nhà hiện không được sử dụng và không mở cửa cho công chúng tham quan. Người dân hy vọng sẽ bảo tồn các tòa nhà vì giá trị lịch sử và có thể sử dụng chúng làm giảng đường hoặc xưởng vẽ. “Chúng có thể được dùng để kêu gọi phản đối vũ khí hạt nhân”, ông Iwao Nakanishi, 89 tuổi, người sống sót qua vụ ném bom nguyên tử năm 1945, nói.
Hai tòa nhà được xây dựng vào năm 1913 để làm nhà máy sản xuất trang phục quân đội. Chúng từng được dùng làm bệnh viện dã chiến khi bom nguyên tử tàn phá thành phố trước khi cải tạo trở thành ký túc xá sinh viên. Công trình được xây dựng bằng bê tông cốt thép ốp gạch đỏ bên ngoài. Một số cửa sổ bằng kim loại được cho là bị biến dạng trong vụ nổ bom.
Chính quyền tỉnh dự kiến bảo tồn tòa nhà khác cũng từng là cơ sở may trang phục quân đội. Dự kiến, tòa nhà này sẽ được gia cố và sửa chữa phần tường và mái.
Ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima khiến 80.000 người thiệt mạng và 35.000 người khác bị thương. Một quả bom khác ba ngày sau dội xuống thành phố Nagasaki tiếp tục cướp đi sinh mạng của hơn 70.000 người.
Vụ tấn công san phẳng thành phố Hiroshima và tính đến năm ngoái chỉ 85 công trình còn tồn tại trong vòng bán kính 5 km tính từ trung tâm vụ nổ. Tòa nhà dự định phá bỏ cách nơi Mỹ thả bom nguyên tử 2,7km, nằm trong số tòa nhà lớn nhất đứng vững.
NHẬT DUY