Ngày 6/10/2019, khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh rút hết lính Mỹ ở Syria về nước thì ngay hôm sau, quân đội và lực lượng dân quân Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức mở cuộc tiến công vào các vị trí của các tay súng thuộc đảng Công nhân Kurdistan (PKK) ở miền bắc Syria, dẫn đến cái chết của hàng chục dân thường người Kurd tị nạn…
Những tay súng Thổ Nhĩ Kỳ vây quanh chiếc xe chở bà Hevrin Khalaf, sau khi đã bắn nhiều loạt đạn vào xe. |
Bốn ngày sau cuộc tiến công của quân đội và lực lượng dân quân Thổ Nhĩ Kỳ, một video clip đã được tung lên mạng xã hội, cho thấy một nhóm dân quân trên đường cao tốc M4, miền bắc Syria đã xả hàng loạt đạn vào 9 thường dân người Kurd, tất cả đều không có vũ khí. 5 người trong số này trước lúc bị bắn đã quỳ sụp xuống đất rồi chắp tay van lạy.
Đến ngày 13/10, một video clip nữa lại được tung lên. Lần này nạn nhân là một chính trị gia người Kurd nổi tiếng: Bà Hevrin Khalaf. Trên video, có thể thấy mấy dân quân Thổ Nhĩ Kỳ vũ trang bằng súng tiểu liên AK, kéo bà Khalaf ra khỏi chiếc xe hơi rồi đưa bà đến một bãi đất trống, nơi các đống đá đã được chất sẵn. Tiếp theo, dân quân hành hình bà Khalaf bằng cách ném đá cho đến chết. Xác bà còn bị vài dân quân dẫm đạp nhiều lần. Trong một video khác, người tài xế của bà Khalaf cũng bị lôi ra khỏi xe rồi bị bắn.
Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó. Những ngày sau lại có thêm nhiều video clip xuất hiện trên các trang web của các nhóm dân quân. Hình ảnh thường dân người Kurd, kể cả trẻ em bị ném đá cho đến chết, hoặc bị hãm hiếp trong tiếng reo hò phấn kích của các tay súng đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia đã lên tiếng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ phạm tội ác chiến tranh, nhất là khi một đoàn xe chở du khách trên đường đến thành phố cổ Ras Al-Ain bị trúng đạn pháo của Thổ Nhĩ Kỳ khiến ít nhất 10 người thiệt mạng.
Là một dân tộc không quốc tịch với tổng dân số khoảng 35 triệu người, hầu hết người Kurd theo đạo Hồi dòng Sunni, cư trú tại một số quốc gia Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Armenia và Syria, trong đó 2/3 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo lệnh của Ankara, người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ không được nói tiếng Kurd và ngay cả những từ như “Kurd”, “Kurdistan” cũng không được phép xuất hiện công khai.
Một người lính Thổ Nhĩ Kỳ bắn một người Kurd tị nạn. |
Do mong muốn trở thành một quốc gia độc lập, người Kurd đã cho ra đời đảng Công nhân Kurdistan (PKK), đồng thời xây dựng chính phủ khu vực Kurdistan. Vì thế, giữa người Kurd và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra nhiều cuộc xung đột vũ trang. Kể từ năm 1984 đến nay, đã có hơn 40.000 người Kurd bị chết. Khi liên minh do Mỹ lãnh đạo tiến hành xâm lược Iraq, lật đổ Tổng thống Saddam Hussein thì người Kurd sống ở các tỉnh phía Bắc Iraq nhân cơ hội này thành lập một chính quyền tự trị. Lúc nội chiến Syria nổ ra, rất nhiều tay súng người Kurd gia nhập Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Giữa năm 2013, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt đầu phát động những cuộc tấn công nhằm vào một số khu vực biên giới phía Bắc Syria, trong đó có Raqqa với ý đồ thành lập “thủ đô Nhà nước Hồi giáo”. Nhằm chống lại IS, ngoài việc đưa quân đến biên giới Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, phía Mỹ và một số nước châu Âu còn hỗ trợ trực tiếp cho SDF, đồng thời coi PKK là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại từ chối triển khai quân đội, tấn công vào các vị trí của IS nằm ở sát biên giới với họ, cũng như không cho phép người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên sang Syria đánh IS. Theo các chuyên gia về Trung Đông, do lo ngại nếu để người Kurd sang Syria tham chiến thì sau này, rất có thể họ sẽ biến Syria thành bàn đạp để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tối Chủ nhật (6/10), Tổng thống Trump gây bất ngờ cho cả thế giới khi ra lệnh rút hết lính Mỹ ở miền bắc Syria. Giải thích về điều này, ông Trump nói muốn đưa nước Mỹ ra khỏi “những cuộc chiến vô lý kéo dài và chỉ mang lại lợi ích cho những bên không ưa Mỹ”. Chỉ vài tiếng sau khi lính Mỹ rút đi, không quân Thổ Nhĩ Kỳ lập tức tiến hành các phi vụ ném bom vào những vị trí của PKK và SDF ở tỉnh Hasakah, đông bắc Syria rồi ngày 9/10, quân đội và dân quân Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào miền Bắc Syria. Những hành vi tàn bạo của họ đã khiến hơn 176.000 người Kurd phải bỏ nhà cửa để chạy trốn, trong đó khoảng 70.000 là trẻ em, phần lớn trú ẩn tại các trường học và các tòa nhà bị bỏ hoang trong điều kiện không có điện, thiếu thốn nguồn nước và lương thực.Theo lời một phát ngôn viên của SDF: “Thái độ của Mỹ đã tạo ra một tác động tiêu cực trên toàn bộ khu vực. Nó tiêu diệt hòa bình, sự ổn định và tạo cơ hội cho IS trỗi dậy một lần nữa”.
Điều lo ngại của SDF hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ trước khi quân đội và lực lượng dân quân Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào miền bắc Syria, các tay súng người Kurd đang giam giữ 7.000 chiến binh IS, trong đó có khoảng 2.500 người được coi là cực kỳ nguy hiểm, đến từ châu Âu và các nơi khác. Các quốc gia gốc của những người này không muốn nhận lại công dân của mình. Ngoài ra, còn có khoảng 10.000 người Iraq và Syria cũng là tù binh của SDF.
Trước sự phản ứng của thế giới và nhất là Tổng thống Trump đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế, ngày 21/10 Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chấm dứt chiến dịch quân sự nhắm vào PKK nhưng với SDF thì họ… vẫn đánh! Tuy nhiên, thành phần chủ chốt của SDF lại là người Kurd và như vậy, số phận bi thảm của dân tộc này có thể sẽ còn kéo dài.
VŨ CAO (Theo Daily News)