Ngày 4/7/1974, chiếc Glomar Explorer đến mục tiêu. Trên boong tàu, mọi hoạt động chuẩn bị cho việc thăm dò, khai thác quặng măng gan diễn ra bình thường. Ở đáy tàu, các chuyên gia lặng lẽ hạ thủy bộ móng vuốt Skunk Works thông qua cánh cửa sổ hình chữ nhật. Sau nhiều lần định vị, giữa trưa ngày 6/7 Skunk Works đã nằm ở tư thế tốt nhất để có thể “quắp” được tàu ngầm K-129.
Đáy tàu Glomar Explorer được cải tạo để Skunk Works “quắp” K-129 lên. |
RỤNG RƠI BỘ MÓNG VUỐT
Khi Skunk Works đã nằm ở tư thế tốt nhất để có thể “quắp” được chiếc K-129 thì trong phòng điều khiển trên tàu Glomar, các chuyên gia điều khiển từ xa dán mắt vào 6 màn hình do 6 camera trên chiếc Skunk Works truyền về, quay toàn cảnh chiếc K-129. Mất nhiều giờ thảo luận, họ mới đi đến thống nhất rằng bộ móng vuốt nằm ở đầu Skunk Works sẽ “quắp” vào mũi tàu ngầm, còn móng vuốt ở đuôi Skunk Works sẽ “quắp” vào đoạn trên của buồng động cơ đã bị vỡ.
Mọi việc diễn ra đúng kế hoạch. Khi 2 bộ móng vuốt đã “quắp” đúng vị trí rồi lúc chiếc K-129 bắt đầu chuyển động và từ từ nổi lên, các chuyên gia mới thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng, khi lên được 3.250m thì bất ngờ 1 cánh tay thép gãy rời, toàn bộ chiếc K-129 dài 100m, nặng 2.000 tấn thì phần rơi ra theo cánh tay thép rồi chìm lại xuống đáy biển dài 86,7m, trong đó có 1 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và bộ mã hóa điều khiển việc phóng tên lửa. Phần “quắp” được lên tàu Glomar Explorer chỉ dài 13,3m, có 6 bộ xương trong tổng số 89 thủy thủ đoàn. Theo các chuyên gia, loại thép được sử dụng để làm 2 cánh tay cho bộ móng vuốt bị giòn vì không chịu được áp lực nước ở độ sâu 4.000m.
Vài ngày sau, tàu Glomar Explorer tiến hành làm lễ thủy táng cho 6 người xấu số. Mãi đến năm 1992, khi Liên bang Xô Viết đã sụp đổ, giám đốc CIA Robert Gates mới cung cấp đoạn băng ghi hình buổi thủy táng này cho Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin.
VÌ SAO TÀU K-129 BỊ CHÌM?
Cuối năm 1974, một số thông tin về Dự án Azorian bị rò rỉ. Có tin nói rằng “ai đó” đã đột nhập văn phòng của Howard Hughes - là chủ tàu Glomar Explorer rồi lấy đi một số tài liệu, trong đó có những trao đổi giữa CIA và Hughes về tàu K-129 nhưng cả DIA lẫn CIA đều phủ nhận chuyện này bởi lẽ CIA đang tiến hành kế hoạch tái trục vớt toàn bộ chiếc K-129.
Tuy nhiên, khi biết những tài liệu trao đổi giữa CIA và Hughes về tàu K-129 đã được chuyển cho tờ Los Angeles Times, giám đốc CIA lúc ấy là William E. Colby đích thân gặp chủ bút của Los Angeles Times, đề nghị báo này không đăng tải nó. Quyết tìm ra sự thật, đầu năm 1975, phóng viên Harriet Philippi Ryan của tờ Rolling Stone viện dẫn một số điều khoản trong Đạo luật tự do thông tin (FOIA) để yêu cầu CIA trả lời về tàu Glomar Explorer. Thế nhưng CIA vẫn từ chối xác nhận sự tồn tại của những hoạt động liên quan đến con tàu này.
Ngày 18/2/1975, tin tức về Dự án Azorian bùng nổ trên một số tờ báo lớn ở Mỹ. Hệ quả là phía Liên Xô lập tức điều một số tàu chiến đến vùng biển nơi chiếc K-129 chìm để bảo vệ nó. Nhằm tránh sự căng thẳng gia tăng, CIA cũng lặng lẽ chấm dứt Dự án Azorian. Theo một số tờ báo Mỹ, từ năm 1968 - là năm chiếc K-129 bị chìm - đến năm 1974, công nghệ tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của cả Liên Xô lẫn Mỹ đã tiến một bước rất dài và loại tên lửa SS-N-5 đã trở thành lạc hậu nên việc trục vớt K-129 chỉ “tiêu tốn 800 triệu USD tiền thuế của người dân Mỹ một cách lãng phí”.
Cho đến nay, vì sao tàu K-129 bị chìm vẫn còn gây tranh cãi. Có 4 nguyên nhân chính được các chuyên gia nêu lên là: Nổ pin trong quá trình sạc, nổ buồng nhiên liệu tên lửa do sai sót kỹ thuật, vỡ khoang dằn khiến tàu không nổi lên được và va chạm với một con tàu khác. Tiến sĩ John P. Craven, thuộc Văn phòng các dự án đặc biệt của Hải quân Mỹ nói: “Với loại pin axit, trong quá trình sạc nếu đột ngột tiếp xúc với nước biển thì nó sẽ phát nổ. Điều này giải thích vì sao K-129 không thể liên lạc với Hải đội tàu ngầm 15 vì nó bị mất điện hoàn toàn. Nó tương tự như chiếc tàu ngầm USS Cochino, bị nổ ở ngoài khơi Na Uy năm 1949 cũng vì pin axit…”.
Giả thuyết thứ 2 là đã xảy ra vụ nổ buồng nhiên liệu tên lửa do rò rỉ. Sự rò rỉ khiến nước biển phản ứng với chất đẩy tên lửa, tạo thành đám cháy. Việc trục vớt toàn bộ phần còn lại của chiếc K-129 do nước Nga thực hiện sau này cho thấy ngay sau tháp chỉ huy, là nơi đặt tên lửa thứ 3, có một lỗ thủng đường kính 3m còn các khoang dằn không hề hấn gì nhưng vì sao buồng động cơ bị vỡ thì lại không ai giải thích được.
Riêng nguyên nhân chiếc K-129 bị chìm vì va chạm với tàu khác được nói đến nhiều hơn cả. 9 ngày sau khi K-129 chìm, chiếc tàu ngầm Swordfish của Hải quân Mỹ vào cảng Yokosuka, Nhật Bản để sửa chữa khẩn cấp kính tiềm vọng. Một số chuyên gia quân sự nhận định chiếc Swordfish có thể đang làm nhiệm vụ đeo bám chiếc K-129 và trong một lần cho kính tiềm vọng nổi lên khỏi mặt nước để quan sát, nó đã đụng phải và làm hỏng nặng hệ thống chân vịt của K-129, dẫn đến vỡ buồng động cơ. Do mất lực đẩy, K-129 không còn di chuyển được nên dù có tháo nước ra khỏi các khoang dằn, nó cũng chẳng thể nổi lên!
Tuy nhiên cả Liên Xô lẫn Mỹ đều bác bỏ giả thuyết này. Tháng 8/1993, trong một cuộc họp với Hải quân Nga ở Điện Kremlin, Đại sứ Mỹ tại Nga là ông Malcom Toon nói: “Theo yêu cầu của tôi, Hải quân Mỹ đã cung cấp lịch trình hoạt động của tất cả các tàu ngầm ở khu vực chiếc K-129 chìm vào suốt tháng 3/1968. Kết quả là thời điểm ấy, không có tàu ngầm nào của Mỹ hoạt động trong bán kính 560km tính từ vị trí của chiếc K-129…”.
Và như vậy, số phận K-129 cùng 89 thủy thủ đoàn vẫn còn là ẩn số…
VŨ CAO (Theo History)