Mỹ đã ghi nhận những nỗ lực của Malaysia trong cuộc chiến chống khủng bố với các hoạt động truy tố, xét xử, các chiến dịch truy quét, tuần tra biên giới và theo dõi các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, Washington cũng lưu ý Malaysia vẫn đang là nguồn cung nhân lực và địa điểm trung gian cho các nhóm khủng bố, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay phiến quân Abu Sayyaf.
Trong báo cáo về tình hình khủng bố trên thế giới năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá cao việc Chính phủ Malaysia đã thực thi các đạo luật sửa đổi theo hướng mạnh tay hơn trong đấu tranh chống khủng bố và Ngân hàng Trung ương nước này thực hiện chính sách chống rửa tiền và tài trợ khủng bố sử dụng các loại tiền điện tử, cho rằng đây là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nguy cơ khủng bố tại Malaysia và khu vực.
Cơ quan ngoại giao Mỹ cũng đánh giá cao sự hợp tác của Kuala Lumpur với các quốc gia trong khu vực, nhằm tăng cường an ninh biên giới tại các sân bay và khu vực biển Sulu, trong xác minh, đối phó với các tin nhắn khủng bố trên mạng xã hội và nâng cao hiệu quả xét xử các phần tử khủng bố, đặc biệt là việc Malaysia đã đảm nhận vai trò nước chủ nhà hội thảo bàn luận về cách thức đấu tranh với các tin nhắn cực đoan trực tuyến.
Mặc dù không có vụ tấn công nào liên quan IS tại Malaysia trong năm 2018, song quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á này vẫn tiếp tục là nguồn cung nhân lực, địa điểm trung chuyển và là đích đến của các tổ chức khủng bố như IS, Abu Sayyaf, al-Qaeda và Jemaah Islamiyah.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các phần tử thề trung thành với IS bị trục xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc đang tìm đường gia nhập IS đã sử dụng Malaysia như một điểm trung chuyển. Bộ này cảnh báo ngay cả khi IS đã mất gần như toàn bộ lãnh thổ tại Syria và Iraq, tổ chức này vẫn chứng minh được khả năng thích ứng của mình, thể hiện qua việc gieo rắc tư tưởng cực đoan trên Internet. Vì lẽ đó, các nước cần đề phòng và theo dõi chặt chẽ những phần tử khủng bố đã tham chiến ở Syria và Iraq được hồi hương hoặc di chuyển tới các nước thứ ba.
MẠNH TUÂN (TTXVN)