Ngày 8/10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua bản kiến nghị cho phép chính phủ nước này tiến hành các chiến dịch quân sự xuyên biên giới tại Iraq và Syria thêm 1 năm.
Trước đó, bản kiến nghị trên cho phép Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch xuyên biên giới từ ngày 30/10/2018 tới 30/10/2019. Tất cả các đảng chính trị, ngoại trừ đảng Dân chủ Nhân dân ủng hộ người Kurd (HDP), tại Quốc hội ủng hộ bản kiến nghị này.
Bản kiến nghị nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ coi trọng tầm quan trọng của việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, sự ổn định và thống nhất quốc gia của Iraq. Tuy nhiên, sự tồn tại của lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara đặt ngoài vòng pháp luật và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq đã đặt ra mối đe dọa trực tiếp cho an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Bản kiến nghị này cũng nhấn mạnh việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục các hoạt động an ninh tại khu vực phía Đông sông Euphrates ở miền Bắc Syria phù hợp với các lợi ích an ninh hợp pháp của nước này.
Việc gia hạn trên diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị phát động chiến dịch tấn công nhằm vào Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng ở Đông sông Euphrates thuộc miền Bắc Syria.
Phóng viên AFP đưa tin từ thực địa cho biết trong ngày 8/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai thêm hàng chục xe bọc thép tới khu vực biên giới với Syria. Cố vấn thông tin của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 9/10 cho biết quân đội nước này và nhóm vũ trang “Quân đội Syria Tự do” sẽ “sớm” vượt qua biên giới Syria.
Sau khi Mỹ thông báo rút các binh sĩ của nước này ra khỏi khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị phát động chiến dịch quân sự nhằm vào YPG, cùng ngày, ông Badran Jia Kurd, một đại diện của lực lượng người Kurd, cho biết các lực lượng người Kurd đang kiểm soát khu vực miền Bắc Syria có thể tiến hành các cuộc đàm phán với chính quyền Damascus và Nga.
Trước kế hoạch tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Đông Bắc Syria, giới chức Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày đã bày tỏ quan ngại chiến dịch này có thể kích động một làn sóng người tị nạn mới tới châu Âu. EU kêu gọi ngừng các hành động thù địch, bảo vệ dân thường, cũng như đảm bảo tất cả người dân Syria có thể tiếp cận hỗ trợ nhân đạo.
PHƯƠNG ANH