Công lý nào cho người da đen?
(Kỳ 2)
Bắt đầu từ năm 1930, nền kinh tế Mỹ rơi vào thời kỳ “đại suy thoái”, số lượng thành viên của 3K giảm xuống còn chưa tới 100.000 người. Tiếp theo, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã khiến 3K hầu như biến mất. Thế nhưng năm 1964, khi Chính phủ Mỹ ban hành đạo luật Quyền Công dân, trong đó người Mỹ da đen được hưởng tất cả những quyền như người Mỹ da trắng thì 3K trỗi dậy bằng những vụ đánh bom giết người da đen ở một số bang miền Nam. Lúc ấy, Tổng thống Mỹ L.B. Johnson đã công khai nói rằng 3K là một tổ chức khủng bố…
Một buổi lễ của 3K ở bang Louisiana. |
SỰ TRỖI DẬY CỦA 3K THẾ HỆ THỨ BA
Ngay từ khi đạo luật Quyền Công dân còn nằm trên bàn nghị sự của Quốc hội Mỹ, đã xuất hiện lẻ tẻ các vụ bạo lực nhắm vào người Mỹ da đen do 3K tiến hành, nhất là khi người Mỹ da đen và người Mỹ gốc Mexico, Chile, Cuba…, cho ra đời “Hiệp hội vì sự tiến bộ của người da màu - gọi tắt là NAACP”.
Ngày 15/9/1963, 3K đánh bom nhà thờ Baptist nằm trên đường 16, hạt Birmingham, bang Alabama. Vụ đánh bom khủng bố đã khiến dư luận nước Mỹ phẫn nộ. Khi quả bom phát nổ lúc 10 giờ 22 phút sáng Chủ nhật 15/9/1963, có gần 100 thanh thiếu niên nam nữ da đen đang chuẩn bị cho một lớp học giáo lý. 4 cô gái là Addie Mae Collins, Cynthia Wesley, Carole Robertson, cùng 14 tuổi và Denise McNair 11 tuổi chết tại chỗ. Cô gái thứ 5 là Sarah Collins, em ruột của Addie Mae Collins bị mất con mắt bên phải, 14 người khác bị thương. 3K không giấu giếm trách nhiệm của mình, thậm chí họ còn gọi đây là “Bombingham”.
Sau vụ đánh bom, bạo lực nổ ra khắp bang Alabama. Và trong lúc dư âm của nó vẫn còn nóng bỏng trên các bản tin thời sự thì tháng 1/1964, Michael Schwerner, Andrew Goodman và James Chaney, thành viên 3K ở bang Mississippi đã giết 3 người Mỹ da đen khi họ thực hiện quyền bình đẳng bằng cách đi chung xe bus với người da trắng. Cũng trong năm này, nhà thờ Macedonia Baptist ở hạt Bloomville, bang South Carolina bị đốt cháy. Tại bang Mississippi, 2 thiếu niên da đen bị 2 thành viên 3K là Henry Hezekiah Dee và Charles Eddie Moore giết chết.
Bước sang năm 1965, bà Viola Liuzzo, ở thành phố Detroit bị 3K giết vì “dám tham dự” một cuộc diễu hành của người da đen để biểu thị quyền công dân. Năm 1966, Vernon Dahmer Sr, một lãnh đạo NAACP ở Mississippi bị 3K thiêu sống nhưng mãi đến năm 1998, cựu thủ lĩnh của 3K là Sam Bowers mới bị buộc tội giết người và bị kết án tử hình. Hai thành viên 3K khác cùng tham gia thiêu sống Vernon Dahmer Sr thì một kẻ chết trước khi ra tòa, còn kẻ kia được miễn truy tố. Tiếp theo, những vụ đánh bom liên tiếp xảy ra trong năm 1967, nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền người da đen như Robert Kochtitzky, Rabbi Perry Nussbaum.
3K VÀ VỤ THẢM SÁT GREENSBORO
Năm 1970, Quốc hội Mỹ sửa đổi Luật Nhập cư với nhiều điều khoản mở rộng thì 3K lại nổi đình nổi đám bằng việc đánh bom phá hủy 10 xe buýt chuyên chở học sinh da đen tại thành phố Pontiac, bang Michigan. Cuối năm 1975, những nhóm 3K lần lượt công khai xuất hiện trong hầu hết các trường đại học ở bang Louisiana cũng như tại Đại học Vanderbilt, Đại học bang Georgia, Đại học bang Mississippi, Đại học Akron và Đại học South California. Những nhóm này tổ chức nhiều cuộc biểu tình, phản đối việc cho phép người nước ngoài - chủ yếu là người da màu được định cư ở Mỹ và trở thành công dân Mỹ.
Ngày 3/11/1979, các thành viên của Đảng Công nhân Cộng sản Mỹ (CWP) cùng một số người Mỹ đa đen khác tổ chức một cuộc tuần hành ở thành phố Greensboro, bang North Carolina để phản đối những hành vi tàn ác của 3K nhắm vào người da đen. Vụ tuần hành nhanh chóng chìm trong bạo lực khi đoàn xe gồm 10 chiếc, chở theo 40 thành viên 3K cùng hơn 20 thành viên của tổ chức Tân Phát xít (APN). Những chiếc xe ấy chạy sát đoàn người tuần hành rồi từ trên xe, thành viên 3K cùng nhóm Tân Phát xít dùng gậy đánh họ. Bị đánh đau, một số người da đen không kiềm chế được tức giận, nhặt đá ném vào xe. Ngay lập tức, 3K và APN nhảy xuống với súng trường và súng ngắn, bắn vào người tuần hành khiến 5 người chết và 11 người bị thương. Và vì không hề có bóng dáng của bất kỳ một cảnh sát nào trong suốt thời gian xảy ra vụ thảm sát nên những tên sát nhân dễ dàng tẩu thoát.
3K HIỆN NAY
Cho đến năm 2015, theo khảo sát của Tổ chức bảo vệ nhân quyền Mỹ, 3K còn khoảng 8.000 thành viên, phân tán thành nhiều nhóm nhỏ với nhiều tên gọi khác nhau, chủ yếu ở các bang miền Nam nước Mỹ. Trong đó, các nhóm đáng kể nhất là “Bayou Knights”, hoạt động ở Texas, Oklahoma, Louisiana; nhóm “Các hiệp sĩ của Ku Klux Klan”, hoạt động ở Arkansas và các khu vực lân cận; nhóm “Hiệp sĩ trắng”, hoạt động ở Alabama; nhóm “Nhà thờ của các hiệp sĩ Mỹ”, hoạt động ở Georgia; nhóm “Các hiệp sĩ trắng trung thành với Ku Klux Klan”, hoạt động ở bang Tennessee… Năm 2016, khi cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra giữa một bên là bà Clinton thuộc đảng Dân Chủ và một bên là ông Donal Trump, đảng Cộng hòa, 3K tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc diễu hành mừng chiến thắng ở bang North Carolina nếu ông Trump thắng cử... Lời tuyên bố của 3K khiến dư luận nghi ngờ ông Trump được 3K hậu thuẫn.
Trong tiểu luận về tổ chức 3K, nhà sử học Elaine Frantz Parsons, Đại học Yale viết: “Bên cạnh các vụ xả súng giết người vì động cơ cá nhân, những vụ khủng bố chủ mưu bởi Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thì 3K vẫn là nỗi ám ảnh ngay trong lòng nước Mỹ khi mà tội ác chưa hề nhận được hình phạt tương xứng với những hành vi do nó gây ra và đã hoàn thành…”.
VŨ CAO
(Theo InSight Crime)