Vào ngày 31/10/2019 Anh sẽ rời ngôi nhà chung châu Âu. Tuy nhiên, hiện có khoảng 2/3 số công ty xuất khẩu của Anh hiện vẫn chưa thực hiện những sự chuẩn bị căn bản nhất cho kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận - “Brexit cứng”.
Theo số liệu công bố mới nhất của Cơ quan Ngân sách và Hải quan Anh (HMRC), hiện chỉ có 70.000 trên tổng số khoảng 240.000 DN đã đăng ký các thủ tục cần thiết để có thể tiếp tục làm ăn với EU sau Brexit. Những công ty chưa đăng ký đa phần là vừa và nhỏ. Số DN đã thực hiện đủ những thủ tục cần thiết chiếm 75% các hoạt động giao thương giữa Anh và EU. Tuy nhiên, theo số liệu của Sky News, vẫn còn nhiều công ty lớn, đa số là trong lĩnh vực thực phẩm, mới chỉ bắt đầu các thủ tục đăng ký để có thể tiếp tục hoạt động giao thương với EU trong trường hợp “Brexit cứng”.
Chính phủ Anh cam kết sẽ thực hiện một chiến dịch truyền thông lớn để kêu gọi mọi người và giới DN chuẩn bị cho tình huống “Brexit cứng” vào tuần tới. Trong trường hợp Brexit không thỏa thuận, các công ty của Anh làm ăn với EU sẽ phải chịu kiểm soát hải quan giống như EU áp dụng đối với những nước khác trên thế giới.
Các chuyên gia dự đoán số lượng đơn kê khai hải quan giữa Anh và EU sẽ tăng 4 lần so với hiện nay, lên khoảng 200 triệu kê khai hải quan mỗi năm. Theo dự báo của Chính phủ Anh, nếu xảy ra Brexit cứng, khả năng giao thương gián đoạn tại khu vực cảng Dover sẽ kéo dài tới 6 tháng.
HMRC đã đồng ý cho phép các công ty có thể sử dụng những thỏa thuận đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp. Những công ty đăng ký thủ tục đơn giản hóa chuyển tiếp sẽ có thời hạn 6 tháng để làm thủ tục kê khai hải quan và thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa.
DIỄM QUỲNH