Cấu tạo bởi các chất magne và silicat, bột Talc là thứ không thể thiếu trong loại phấn bôi ngừa rôm, sảy ở trẻ sơ sinh, cũng như trong ngành sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, sơn, giấy, cao su và nhựa. Quốc gia xuất khẩu bột Talc lớn nhất hiện nay là Pakistan với 560.000 tấn/năm nhưng thực tế thì 80% được khai thác ở Afghanistan, trong những vùng do phiến quân Taliban kiểm soát. Theo ước tính, Taliban kiếm 300 triệu USD mỗi năm nhờ loại bột này.
Xe tải chở đất Talc của Taliban trên đường qua biên giới Pakistan (ảnh do Không quân Mỹ chụp). |
1. Ngày làm việc của tài xế Mohammad Awaki (tên đã được thay đổi) bắt đầu từ 6 giờ sáng tại một khu mỏ ở huyện Shirzad, phía đông tỉnh Nangarhar, Afghanistan, giáp biên giới Pakistan. Do bột Talc nằm lẫn trong đất (gọi là đất Talc) nên tại khu mỏ, lúc nào cũng có vài chiếc máy xúc, múc đất Talc đổ vào thùng những chiếc xe tải. Khi đã đầy, Awaki cùng các đồng nghiệp khác lái qua biên giới, vào lãnh thổ Pakistan. Đến điểm tập kết, họ trút đất Talc xuống rồi lại quay về để chuẩn bị cho chuyến sau. Trả lời một cuộc phỏng vấn bí mật của trang tin Nhân chứng Toàn cầu, Awaki nói: “Mỗi ngày chúng tôi được ăn 2 bữa còn tiền công là 4USD, một cái giá quá rẻ nhưng biết sao được vì chúng tôi là nô lệ, không thể phản kháng để bảo vệ quyền lợi của mình”.
Theo ước tính của cả Cơ quan tình báo quân đội Mỹ lẫn quân đội Afghanistan, hiện có khoảng 2.000 tay súng Taliban ở tỉnh Nangarhar, phần lớn tập trung tại các mỏ đất Talc gần huyện Shirzad, quản lý khoảng 600 công nhân, chủ yếu là tài xế xe tải, máy xúc, máy ủi, thợ cơ khí và lao động thủ công. Và mặc dù khai khoáng là ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là tai nạn lao động nhưng công nhân mỏ Talc hầu như không được trang bị bất cứ một thứ đồ bảo hộ nào. Bác sĩ Islam Kharodin, làm việc tại bệnh viện huyện Pachiragam cho biết những người bị thương hoặc đau ốm đều được chuyển đến đây vì ở những vùng do Taliban kiểm soát, phương tiện cấp cứu chẳng bao giờ có đủ. Ông nói: “Phần lớn mắc các bệnh về đường hô hấp vì hít phải những hạt nhỏ li ti trong bụi đất Talc. Cũng không thiếu những người dập nát chân, tay, do vô ý bị máy ủi, máy xúc cán trúng. Họ không được bồi thường mặc dù sau khi chữa trị, nhiều ngưới hoàn toàn mất sức lao động”. Zarwali, 26 tuổi, bị cụt 1 chân cho biết: “Khi chiếc máy xúc đổ đất Talc vào thùng xe tải, một tảng đá rơi trúng chân tôi. Đầu tiên, tôi được đưa tới bệnh viện huyện Shirzad. Ở đó, bác sĩ nói tôi bị gãy xương, phải mổ nhưng bệnh viện lại không có bác sĩ chuyên về phẫu thuật xương. Vì vậy tôi chỉ được bó bột rồi vài tuần sau, nó nhiễm trùng. Nếu có tiền để sang Pakistan điều trị, chân tôi đã không phải cắt cụt như hiện nay”. Bà quả phụ Merisa, có chồng chết trong khi đang khai thác đất Talc nói: “Taliban cho tôi 100USD để lo tang lễ rồi kể từ đó, họ chẳng hề ngó ngàng gì nữa. Tôi còn 4 đứa con phải nuôi. Biết sống bằng cái gì đây…”.
Một khu mỏ khai thác đá cẩm thạch ở tỉnh Nangarhar, Afghanistan |
Tất cả số lượng đất Talc khai thác được, Taliban bán cho một số nhà buôn ở Pakistan. Sau khi trộn lẫn với đất Talc của Pakistan rồi tinh luyện thành bột Talc, 80% trong số này được xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Hình ảnh chụp từ vệ tinh của Cơ quan tình báo quân đội Mỹ cho thấy việc khai thác đất Talc ở huyện Shirzad diễn ra ồ ạt vớt tần suất 30 lượt xe mỗi ngày. Lấy trung bình mỗi xe vận chuyển 10 tấn thì mỗi ngày có 300 tấn đất Talc được đưa sang Pakistan. Một sĩ quan không quân Mỹ, người điều phối các chương trình không kích vào các vị trí của Taliban nói: “Chúng tôi biết rõ những chiếc xe tải ấy chở đất Talc cho Taliban nhưng không thể gọi máy bay ném bom tiêu diệt vì tài xế đều là dân thường”. Rick Carvan, giám đốc chương trình chống mua bán tài nguyên “bẩn” thuộc tổ chức Minh bạch quốc tế cho biết: “Khi mua phấn ngừa rôm sảy, phấn trang điểm, các đồ dùng bằng cao su, nhựa, các loại sơn có thành phần là bột Talc khai thác ở Afghanistan, người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã vô tình tài trợ cho phiến quân Taliban. Theo đánh giá của chúng tôi, mỗi năm Taliban thu được khoảng 300 triệu USD chỉ với mặt hàng này…”.
2. Ngoài việc tự mình đứng ra khai thác, Taliban còn thu thuế những mỏ đất Talc khác, nằm trong những khu vực “xôi đậu”. Najab Alami, chủ mỏ ở tỉnh Nangarhar cho biết: “Tôi phải trả 3 lần thuế và những chi phí cho 3 tổ chức khác nhau: 1 là cho Chính phủ Afghanistan theo hợp đồng với Bộ Mỏ và Dầu khí, 2 là cho các nhóm dân quân vũ trang bảo vệ an ninh và 3 là Taliban”. Khi được hỏi vì sao các nhóm dân quân vũ trang đã nhận tiền mà vẫn để cho Taliban hoạt động, Alami nói: “Dân quân chỉ có mặt vào buổi sáng, khi mỏ bắt đầu làm việc. Đến chiều, lúc thợ mỏ nghỉ thì họ cũng rút đi. Đêm xuống, Taliban về thu thuế”. Đã từng có lần, Alami ngừng trả tiền thuế cho nhóm dân quân vũ trang thì ngay hôm sau, hơn 80% công nhân không có mặt. Hỏi ra mới biết họ nhận được những lời đe dọa ngầm.
Ngoài đất Talc, tỉnh Nangarhar còn có các mỏ chromite và đá cẩm thạch, ước tính giá trị lên đến hơn 1 nghìn tỉ USD, đang được cả Taliban lẫn Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khai thác bên cạnh những khu mỏ hợp pháp. Hồi cuối năm 2017, đã từng xảy ra những cuộc giao tranh đẫm máu giữa Taliban và IS nhằm giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên quý báu nằm gần huyện Achin. Hệ quả là hơn 60.000 thường dân phải bỏ chạy để tránh bị thiệt mạng oan uổng. Và mặc dù những vùng do Taliban và IS kiểm soát ngày càng thu hẹp bởi những cuộc hành quân tảo thanh của quân đội Chính phủ Afghanistan nhưng điều đó không ngăn cản những tảng đá cẩm thạch màu đen, màu xám, màu vàng kem và màu hồng, được xẻ thành từng phiến với nhiều kích cỡ khác nhau rồi được đánh bóng. Sau đó, một phần nhỏ được tiêu thụ ngay tại Afghanistan thông qua những nhà buôn, số còn lại đưa qua Pakistan rồi chuyển đi nhiều nơi trên thế giới. Ông Abdul Qadeer Mutfi, phát ngôn viên của Bộ Mỏ và Dầu khí Afghanistan nói: “Trong một nỗ lực chống lại việc khai thác lậu, chúng tôi đã cùng các lực lượng an ninh của chính phủ, đóng cửa 580 mỏ do Taliban và IS điều hành. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng, chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nhân và người lao động địa phương…”. Tuy nhiên, Mohamad Marzi, một thợ mỏ 50 tuổi, đã có 6 năm làm nghề xẻ đá cẩm thạch cho biết: “Mặc dù không bị Taliban khống chế, tiền lương khá, nhưng sự thiếu giám sát là vấn đề quan trọng. Mỗi ngày chúng tôi phải làm việc từ 10 đến 12 tiếng, trong đó có cả lao động trẻ em. Khi máy móc hư hỏng, chúng tôi chẳng biết kêu ai vì các kỹ sư chỉ đến mỏ mỗi tháng 2 lần..”.
Hiện tại, có hơn 30 nhà máy chế biến bột Talc hợp pháp đang hoạt động tại Afghanistan cùng khoảng 100 khu mỏ khác vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của cả Taliban lẫn IS. Theo các chuyên gia chống khủng bố, nhằm ngăn chặn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu rơi vào tay Taliban và IS, Chính phủ Afghanistan cần tăng cường kiểm soát việc buôn bán ở những nơi như Nangarhar cùng nhiều nơi khác trên lãnh thổ Afghanistan, đặc biệt là những tuyến đường vận chuyển khoáng sản thông qua biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Bên cạnh đó, bảo đảm an ninh cho những khu mỏ trước đây nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban và IS nên được xem là ưu tiên chiến lược…
Với những cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Mỹ và Taliban, mặc dù nội dung của nó vẫn được giữ kín nhưng theo các nhà phân tích chính trị quốc tế, các điều khoản trong đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến có lẽ không thể thiếu bột Talc, chromite và đá cẩm thạch.
VŨ CAO
(Theo Nhân chứng Toàn cầu)