Vì sao ông Netanyahu không lập được chính phủ?
Ngày 30/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử lại. Thời gian diễn ra cuộc bầu cử được ấn định là 17/9 tới. Đây là động thái ông Netanyahu bắt buộc phải thực hiện nếu không muốn quyền lực rơi vào tay đối thủ Benny Gantz sau khi ông đã không lập được liên minh đa số theo luật định.
Đàm phán với Avigdor Lieberman thất bại khiến ông Netanyahu (bìa phải) buộc phải tổ chức bầu cử lại. |
Việc buộc phải tổ chức bầu cử lại được xem là “sự cố” đã được báo trước đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và là sự việc chưa từng có trong lịch sử Israel.
Dẫn dắt đảng Likud giành chiến thắng khá dễ dàng trong cuộc bầu cử vừa qua, giành đến 38 trên 120 ghế trong Quốc hội, còn thiếu 23 ghế để đạt đa số quá bán. Theo luật bầu cử Israel, ông Netanyahu có 6 tuần tiến hành đàm phán sau bầu cử đề thành lập liên minh đa số, từ đó thành lập chính phủ mới. Những tưởng con đường phía trước sẽ thuận lợi hơn cho ông Netanyahu để sớm lập ra một chính phủ mới, tiếp tục thúc đẩy các chính sách an ninh, chính trị, nhất là việc giải quyết vấn đề người Palestine. Thế nhưng, những khúc mắc đã có từ trước khi diễn ra cuộc bầu cử tháng 4/2019 khiến cho liên minh cầm quyền của ông không yên ấm nay vẫn tiếp tục gây trở ngại cho tham vọng chính trị của ông.
Hạn chót vào nửa đêm 29/5 đã trôi qua mà cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới của ông vẫn không đạt kết quả. Theo quy định, ông Netanyahu buộc phải báo cáo lên Tổng thống Reuven Rivlin kết quả đàm phán có thành lập được chính phủ hay không. Với kết quả không lập được chính phủ, ông Netanyahu có hai lựa chọn, một là để cho Tổng thống Rivlin quyết định cử một trong các chính khách đạt kết quả yếu hơn ông Netanyahu thành lập chính phủ liên minh, hoặc là ông Netanyahu tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử lại.
Nếu để cho Tổng thống cử người khác đứng ra thành lập chính phủ, nhiều khả năng ông Netanyahu sẽ để mất quyền lực vào tay đối thủ chính trị Benny Gantz, cựu tư lệnh quân đội Israel, người thuộc phái chính trị trung tả. Vì vậy, ông Netanyahu đã chọn phương án bầu cử lại, thà mất thêm thời gian còn hơn.
Đàm phán thành lập chính phủ mới của ông Netanyahu thất bại chủ yếu là do tranh chấp chính trị giữa các đảng phái Chính thống giáo cực hữu với đảng Yisrael Beiteinu của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman. Xung đột về quan điểm và đường lối chính trị khiến Lieberman và các lãnh đạo Chính thống giáo cực hữu thậm chí không thèm nói chuyện với nhau, trong khi ông Netanyahu cần cả hai bên để gom đủ số ghế thành lập chính phủ.
Vấn đề khiến đàm phán thất bại chính là việc ông Lieberman nhất quyết yêu cầu chính phủ mới phải trình Quốc hội thông qua đạo luật do ông đề xuất, theo đó bắt buộc các sinh viên Chính thống giáo cực hữu phải phục vụ trong quân đội. Từ trước đến nay, thành phần này luôn được miễn nghĩa vụ quân sự, và Lieberman cho rằng đó là một sự bất công đang tồn tại trong xã hội Israel, vì nhập ngũ bảo vệ tổ quốc là nghĩa vụ của mọi công dân Israel, không loại trừ ai. Các đảng phái Chính thống giáo cực hữu không đồng tình với dự thảo luật và muốn ông Netanyahu chỉnh sửa nó. Lieberman nhất định không tham gia liên minh của ông Netanyahu nếu dự thảo luật không được giữ nguyên.
Theo giới quan sát, tranh chấp chính trị quanh dự thảo luật nghĩa vụ quân sự của ông Lieberman chỉ là biểu hiện bên ngoài của một cuộc xung đột lớn hơn giữa các đảng phái thế tục do Lieberman đại diện tiêu biểu với các đảng phái Chính thống giáo cực hữu đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong chính quyền của Thủ tướng Netanyahu.
Thủ tướng Netanyahu đã cố gắng tìm mọi cách để “giảng hòa” với Cựu Bộ trưởng Lieberman và đảng Yisrael Beiteinu của ông, nhưng đều thất bại. Ông Netanyahu cũng không thể quay sang tìm kiếm liên minh với các đảng trung tả vì các đảng phái này cũng đang cự tuyệt liên minh do ông đang bị điều tra xét xử các bê bối tham nhũng.
Đây có thể được xem là khủng hoảng chính trị lớn nhất đối với ông Netanyahu. Ông đang trông chờ các thành viên chính phủ giúp thông qua một đạo luật để trao cho ông “quyền miễn trừ khi đương chức” để giúp ông né tránh các vụ án tham nhũng đang chuẩn bị đưa ra xét xử. Với tình hình này thì ít nhất cũng phải sau cuộc bỏ phiếu ngày 17/9 tới mới có thể tính chuyện thông qua đạo luật.
Dường như khủng hoảng chính trị của ông Netanyahu cũng đang gây khó khăn nhất định cho Nhà Trắng trong việc đưa ra kế hoạch giải quyết xung đột giữa Israel với người Palestine. Một khả năng rất cao là nếu ông Neatnyahu thất bại, chính phủ mới của Israel do người khác lãnh đạo sẽ hủy bỏ ngay tất cả những gì Nhà Trắng đã xây dựng cùng với ông Netanyahu từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
TRƯƠNG HÙNG (CAND)