Khi IS vươn vòi đến nước Nga và các quốc gia Trung Á
Ngày 21-5-2019, ông Alexander Bortnikov, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã lên tiếng cảnh báo về việc hiện có khoảng 5.000 tên khủng bố thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Wilayat Khorasan - được cho là đã thề trung thành với IS - đang tập trung tại phía bắc Afghanistan. Trong số này có nhiều kẻ từng tham chiến ở Iraq, Syria.
Nhóm Wilayat Khorasan không chỉ tiến hành những vụ tấn công khủng bố ở Afghanistan, Pakistan mà còn âm mưu xâm nhập nước Nga và các quốc gia Trung Á...
Hafiz Saeed Khan, kẻ cầm đầu IS-K tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo IS. |
SỰ RA ĐỜI CỦA WILAYAT KHORASAN
Là chi nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhóm Wilayat Khorasan - tên đầy đủ là “Nhà nước Hồi giáo và Lavant tỉnh Khorasan - viết tắt là IS-K” - ra đời hồi tháng 1-2015 tại một khu vực biên giới giữa Pakistan và Afghanistan. Lúc ấy, Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bổ nhiệm Hafiz Saeed Khan, chỉ huy một nhóm Taliban ở Pakistan làm người đứng đầu IS-K, Abdul Rauf Aliza, chỉ huy Taliban ở Afghanistan làm phó. Phạm vi địa giới của IS-K bao gồm một phần phía bắc Afghanistan, Iran và 2 quốc gia Trung Á là Turkmenistan và Uzbekistan.
Trước đó, tháng 9-2014, Abu Bakr al-Baghdadi đã cử một phái viên cao cấp đến Pakistan gặp Hafiz Saeed Khan. Sau nhiều cuộc thảo luận, Khan đồng ý thề trung thành với IS. Đến tháng 10 cùng năm, một phái viên cao cấp khác của IS đi Afghanistan. Tại tỉnh Herman nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban, phái viên này đã thuyết phục được Abdul Rauf Khadim, chỉ huy Taliban ở Afghanistan, ngả theo IS, dẫn đến hệ quả là những người đứng đầu 6 bộ tộc ở các tỉnh Kurram, Khyber và Peshawar cũng thề trung thành với IS. Dưới sự chỉ đạo của Abu Bakr al-Baghdadi, 2 nhóm Taliban Pakistan và Taliban Afghanistan nhập lại thành một, gọi là Wilayat Khorasan (IS-K). Nguồn nhân lực chính của IS-K là những tay súng Taliban, lúc ấy bị mê hoặc bởi những chiến thắng vang dội của IS ở Syria và Iraq.
Tháng 2-2015, Abdul Rauf Aliza bị đặc nhiệm SEAL, Mỹ, giết chết trong một cuộc đột kích. Đến tháng 7-2016, Hafiz Saeed Khan cũng bị giết bởi máy bay không người lái, Mỹ. Lên thay thế là Abdul Haseeb Lorari rồi sau đó là Abdul Rahman. Kẻ cuối cùng cầm đầu IS-K là Abu Saad Erhabi (bị máy bay Mỹ giết chết hồi tháng 8-2018).
Tháng 6-2015, trước việc những chiến binh Taliban bỏ theo IS-K ngày càng nhiều, Akhtar Mansour, lãnh đạo tối cao của Taliban viết một lá thư gửi Abu Bakr al-Baghdadi, đề nghị Baghdadi ra lệnh cho IS-K lập tức chấm dứt tuyển mộ người của Taliban với lập luận “cuộc chiến ở Afghanistan là của Taliban, và nó phải do Taliban quyết định”. Tuy nhiên, Abu Bakr al-Baghdadi phớt lờ lá thư ấy. Kết quả là giữa Taliban và IS-K đã nổ ra những cuộc giao tranh dữ dội ở tỉnh Nangarhar. Chỉ hơn 2 tuần, lực lượng IS-K dưới sự lãnh đạo của Qari Kekmat và Mufti Nemat đã đánh bật Taliban ra khỏi phần lớn các huyện, thị, thuộc tỉnh Nangarhar, kiểm soát 4/5 vùng đất này. Thừa thắng xông lên, IS-K mở thêm nhiều cuộc tấn công vào quân Chính phủ Afghanistan ở các tỉnh Khorasan, Helmand và Farah. Cuối năm 2015, IS-K đã có một đài phát thanh đặt tại tỉnh Nangarhar, hàng ngày phát đi những bản tin tuyên truyền bằng tiếng Pastun và tiếng Dari. Thực lực của IS-K còn như “hổ thêm cánh” khi Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) chính thức lên tiếng thề trung thành với IS, đồng thời xác nhận họ là thành viên của IS-K.
Bước qua năm 2016, IS-K nhận được gần 271 triệu USD tài trợ, gồm 78 triệu đến từ IS ở Syria, Iraq, 40 triệu từ một số quốc gia vùng Vịnh, 33 triệu là tiền thu thuế tại các vùng do IS-K kiểm soát. 120 triệu USD còn lại từ các cá nhân ẩn danh.
VƯƠN VÒI SANG NGA VÀ TRUNG Á
Từ năm 2017-2018, mặc dù đã tung ra 84 vụ tấn công khủng bố ở Afghanistan và 11 vụ ở Pakistan, giết chết 1.241 dân thường nhưng IS-K vẫn liên tục hứng chịu nhiều thiệt hại, trong đó có cái chết của Abdul Hasib, lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Afghanistan cùng một số chỉ huy khác, xảy ra vào ngày 26-4-2017. Ngày 1-1-2019, quân đội Chính phủ Afghanistan mở cuộc tấn công vào huyện Achin, tỉnh Nangarhar, tiêu diệt 2 lãnh đạo địa phương của IS-K là Sediq Yar và Syed Omar cùng 27 tay súng. Đến ngày 10, máy bay không người lái, Mỹ, phóng tên lửa giết chết Khetab Emir, một quan chức cấp cao của IS-K.
Trước tình hình ấy, đầu tháng 4-2019, theo lệnh Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), 70 tay súng IS từ Iraq và Syria bí mật xâm nhập Afghanistan để tái xây dựng lực lượng. Với sự hỗ trợ của những chiến binh IS ở Pakistan và Uzbekistan, chỉ một thời gian ngắn, những kẻ này đã tập hợp được các nhóm IS-K đang ẩn náu ở nhiều nơi trong tỉnh Kharosan. Bên cạnh đó, thông qua các nhà lãnh đạo Hồi giáo cực đoan ở một số quốc gia Trung Á, các tay súng người Tajikistan và Uzbekistan chạy về từ chiến trường Syria, các thành viên thuộc phong trào Hồi giáo Turkmenistan (IMT), Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), Phong trào Hồi giáo tây Azerbaijan, nhóm Cam Túc Hui gồm những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ chống Chính phủ Trung Quốc, nhóm Ansar al Islam, Iran… cũng lần lượt gia nhập IS-K, nâng quân số của tổ chức này lên đến hơn 5.000 người. Theo các chuyên gia chống khủng bố tại Đại học King College, London, Anh Quốc, với các nguồn nhân lực trong khu vực, nhất là tại một số quốc gia Trung Á, IS-K có thể phát triển đến 11.000 người trong bối cảnh “mẹ” của nó (IS) đã hoàn toàn thất bại tại Syria và Iraq.
Tại Kashmir, trong tương lai gần, nơi đang là mục tiêu để IS-K bổ sung lực lượng, hiện là điểm nóng xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan trong bối cảnh cả Ấn Độ lẫn Afghanistan đều lên tiếng cáo buộc Pakistan đứng sau lưng yểm trợ tài chính cho IS-K. Ngược lại, Pakistan cũng cáo buộc Ấn Độ và Afghanistan đã bí mật hỗ trợ cho mạng lưới Taliban ở Pakistan (Tehrik-e Taliban Pakistan - viết tắt là TTP) và nhóm khủng bố Haqqani (Tehrik-e Khilafat Pakistan – viết tắ là TKP), hiện đang hoạt động trong lãnh thổ Pakistan. Vẫn theo các chuyên gia chống khủng bố, ít nhất từ đây đến cuối năm, IS-K sẽ cần phải xây dựng những cơ sở hậu cần vững chắc tại Afghanistan, bao gồm tỉnh Helmand ở phía nam, Sar-e-Pul ở phía tây và Nangarhar ở phía đông trước khi vươn vòi sang Nga và một số quốc gia Trung Á. Mặt khác, tiến trình đàm phán hòa bình đang diễn ra giữa Mỹ và Taliban có thể sẽ khiến nhiều chỉ huy của Taliban bất mãn vì phải “bắt tay với kẻ thù”, dẫn đến hệ quả là họ sẽ dẫn quân chạy sang hàng ngũ IS-K.
Về phía Liên Hiệp Quốc, trong lúc Mỹ và các quốc gia EU đã liệt IS-K vào danh sách các tổ chức khủng bố từ tháng 9-2015 thì mãi đến ngày 14-5-2019, Hội đồng Bảo an mới đưa IS-K vào “sổ đen” bằng lệnh trừng phạt các cá nhân lãnh đạo IS-K như cấm nhập cảnh, đóng băng tài sản của IS-K ở nước ngoài. Riêng nước Nga, quốc gia này đã tổ chức một cuộc đàm phán 6 bên, gồm: Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ, Afghanistan để cùng phối hợp chống lại IS-K, hiện được coi là mối đe dọa lớn nhất trong khu vực…
VŨ CAO
(Theo Nhân chứng Toàn cầu)