.

Những động thái tích cực tại hội nghị G20 - 2019

Cập nhật: 18:12, 10/06/2019 (GMT+7)

Sau 2 ngày làm việc căng thẳng, Hội nghị bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại TP.Fukuoka của Nhật Bản đã kết thúc chiều 9/6. Tuyên bố chung của G20 đề cập đến các vấn đề nóng của kinh tế thế giới, trong đó chỉ rõ những thách thức, song lại không đề cập cụ thể tới nội dung tranh chấp thương mại.

Toàn cảnh Hội nghị G20 tại Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, ngày 8-6-2019.  (Ảnh: Kyodo)
Toàn cảnh Hội nghị G20 tại Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, ngày 8/6/2019. (Ảnh: Kyodo)

Cuộc tranh cãi về ngôn từ đưa vào tuyên bố chung đã làm tan vỡ hy vọng của giới đầu tư về một văn kiện thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tài chính G20 trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại, vốn đang làm tổn hại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuyên bố chung đã loại bỏ việc công nhận cần phải giải quyết tranh chấp thương mại cũng như thừa nhận tranh chấp thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thay vào đó, văn kiện này chỉ dừng lại ở việc thừa nhận sự gia tăng các căng thẳng thương mại và địa chính trị là những thách thức đối với kinh tế toàn cầu và các nước cam kết tiếp tục giải quyết những nguy cơ, cũng như sẵn sàng có thêm những hành động để giảm thiểu những mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu. Tuyên bố chung cũng không có cam kết nào của G20 liên quan tới chống chủ nghĩa bảo hộ. Kết quả này được cho là bắt nguồn từ sức ép của Mỹ, nhiều khả năng Washington muốn ngăn chặn mọi rào cản có thể kiềm chế chính sách tăng thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua việc Mỹ vẫn giữ lập trường cứng rắn khi khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại song phương bằng cách sử dụng đòn tăng thuế như một công cụ trên bàn thương lượng.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các biện pháp thuế quan sắp tới của Mỹ và Trung Quốc có thể khiến GDP toàn cầu sụt giảm khoảng 0,3% trong năm 2020, với hơn một nửa tác động bắt nguồn từ lòng tin doanh nghiệp sụt giảm và tâm lý tiêu cực của thị trường tài chính. Xét tổng thế, IMF ước tính cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung Quốc, bao gồm những biện pháp đã được triển khai hồi năm 2018, có thể làm giảm 0,5% GDP toàn cầu vào năm 2020.

Dù vậy, G20 cũng đạt được một số thành công nhất định, phần nào chứng tỏ đây vẫn là một cơ chế hành động thực tế và có trách nhiệm. Tuyên bố chung thể hiện sự thống nhất cao độ của các thành viên G20 trong việc thúc đẩy tăng cường tính minh bạch trong hoạt động vay và cho vay, cũng như đảm bảo phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng bền vững hơn. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về tình trạng các nước đang phát triển lâm vào tình cảnh phụ thuộc do nợ từ những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như trong dự án “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. G20 cũng thừa nhận vấn đề già hóa dân số đang đặt ra các thách thức và cơ hội, và vấn đề này đòi hỏi “sự phối hợp các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế khóa và cấu trúc”.

Ngoài ra, việc các thành viên G20 “đồng tâm hiệp lực” đối phó với hoạt động trốn thuế bằng việc tiến tới xây dựng bộ quy tắc chung về thuế DN vào năm 2020, cũng là kết quả tích cực. Mục đích của kế hoạch này là ngăn chặn các công ty, chủ yếu là các “gã khổng lồ” công nghệ và Internet, trốn thuế hoặc chuyển lợi nhuận sang các thiên đường trốn thuế để giảm nghĩa vụ tài chính.

Với biện pháp trên, G20 dường như đã có một bước đi lớn trong việc giải quyết vấn đề mà các chuyên gia đánh giá là vô cùng nhức nhối trong hơn 1 thập niên qua. Trong bối cảnh sự bùng nổ của Internet đã và đang thay đổi cách thức hoạt động của thương mại, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà cung cấp dịch vụ lớn trên mạng Internet như Google, Apple, Facebook hay Amazon đã dùng cùng một chiêu thức giống nhau để né thuế, đó là chuyển lợi nhuận sang một công ty con ở nước ngoài nơi có mức đánh thuế thấp. Đây được xem là một hành vi không công bằng trong hoạt động doanh nghiệp.

Dẫu vậy, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể hiện thực hóa mục tiêu này khi các nước vẫn bất đồng trong cách thức thực thi. Thời điểm sớm nhất mà lãnh đạo G20 có thể nhất trí đặt bút ký vào văn kiện cải tổ hệ thống thuế cuối cùng là vào năm 2020. Đấy là chưa kể tới một “núi” thủ tục mang tính kỹ thuật sẽ phải thực hiện, đồng nghĩa các tập đoàn đa quốc gia vẫn có thể tận hưởng “sự tự do” thêm một vài năm nữa. Chuyên gia về chính sách thuế toàn cầu William Morris thuộc PricewaterhouseCoopers nhận định trong trường hợp chính phủ các nước không thể xúc tiến một khuôn khổ thuế toàn cầu, nhiều khả năng các quốc gia sẽ tự hành động một mình, điều này chẳng khác gì việc tạo ra một “miếng vải chắp vá” của các quy định – một điều “kinh khủng” đối với thương mại và đầu tư.

“Điểm sáng” của G20 năm nay, là các nền kinh tế chủ chốt, dù vẫn còn những bất đồng và khác biệt, vẫn ngồi lại với nhau để cùng thảo luận về các vấn đề nổi cộm đe doạ tới tăng trưởng kinh tế, phần nào giúp cải thiện bầu không khí bang giao toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh cục diện thế giới đang trải qua những thay đổi cơ bản về địa chính trị và chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa, triển vọng kinh tế toàn cầu càng trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết nếu các nền kinh tế G20 tiếp tục né tránh việc giải quyết những căng thẳng thương mại. Nói cách khác, khi các nền kinh tế chủ chốt chưa thể thống nhất được quan điểm hành động, mối đe dọa chính đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn tiếp tục tồn tại.

PHƯƠNG OANH

.
.
.