Ngày 12/6, đại diện các chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp dụng Quy trình xử lý thâm hụt vượt mức (EDP) đối với Italia do nước này không có biện pháp giảm mức nợ công đang ngày càng gia tăng. Động thái này được cho là sẽ làm leo thang cuộc chiến giữa EU với Italia liên quan đến tài chính công.
Quyết định trên đã xác nhận các đánh giá của Ủy ban châu Âu (EC) rằng Italia vi phạm các quy định tài chính của EU. Sau khi được các chính phủ EU “bật đèn xanh”, EC sẽ quyết định có đề nghị khởi động EDP hay không, việc sẽ có thể dẫn tới các trừng phạt tài chính nhằm vào Rome và vô hình trung sẽ đẩy chi phí trang trả nợ công lên cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, các đại diện chính phủ của EU cũng ủng hộ giải pháp đối thoại, nhằm tránh phải mở EDP nếu Rome đưa ra được các cam kết phù hợp nhằm cải thiện tình trạng tài chính công của mình. Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán với Rome không giúp đạt một đồng thuận trong những ngày tới, EC có thể đề xuất mở EDP trong cuộc họp ngày 26/6 tới.
Quyết định cuối cùng về việc khởi động EDP sẽ được các bộ trưởng tài chính của EU đưa ra, có thể trong cuộc họp ngày 8 và 9/7. Trong lịch sử, EU chưa bao giờ trừng phạt một nước thành viên nào liên quan vấn đề ngân sách.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cho biết, chính phủ đã nhất trí cao độ cần phải tìm giải pháp để tránh bị EU áp EDP. Ông Conte cũng nhấn mạnh rằng, EDP sẽ gây tổn hại đối với cả Italia và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Về phần mình, Phó Thủ tướng Italia Luigi Di Maio cũng khẳng định, nước này sẽ tìm kiếm “cuộc đối thoại” với EU về dự thảo ngân sách tiếp theo của Italia trong khi vẫn bám sát các mục tiêu cải thiện thu nhập cho người lao động và cắt giảm thuế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Italia Giovanni Tria cùng ngày cho rằng, chính phủ nước này cần phải xây dựng chiến lược rõ ràng để cắt giảm khoản nợ công đã lên tới 2.300 tỷ euro (2.600 tỷ USD) nhằm khôi phục niềm tin.
BÍCH LIÊN (TTXVN)