Khó khăn của Mỹ khi đối đầu Iran

Chủ Nhật, 16/06/2019, 15:57 [GMT+7]
In bài này
.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không thống nhất được chiến lược đối phó Iran và họ không thể đối thoại với Iran giống như với Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/6 cáo buộc Iran đứng sau cuộc tấn công vào 2 tàu chở dầu ở vịnh Oman, khiến Tổng thống Donald Trump (ảnh) phải đối mặt với lựa chọn mà ông đã tránh: Có nên biến những lời đe dọa khiến Tehran “phải gánh hậu quả thê thảm” thành hiện thực.

Trong vài tuần qua, Tổng thống Donald Trump đã có những động thái mâu thuẫn như ra lệnh cho một nhóm tác chiến tàu sân bay tiến vào vịnh Ba Tư rồi sau đó tách biệt quan điểm của mình với lập trường “diều hâu” của Cố vấn An ninh Quốc gia John R. Bolton. Tuần trước, ông Donald Trump cho biết, ông sẵn sàng đàm phán với các lãnh đạo Iran giống như cách ông đã đàm phán với Triều Tiên.

Tuy nhiên, hôm 13/6, khi thấy hình ảnh khói đen bốc lên từ tàu chở dầu, ông Donald Trump đảo ngược giọng điệu, viết trên Twitter rằng còn “quá sớm để nghĩ đến việc đạt được thỏa thuận. Họ không sẵn sàng và chúng tôi cũng không!”.

Những động thái này thể hiện sự chia rẽ trong chính quyền của ông. Họ không thống nhất được một chiến lược toàn diện để đối phó với Iran, sau khi tự tách khỏi các đồng minh chủ chốt bằng việc rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc phương Tây năm 2015. Iran đang tăng cường sản xuất hạt nhân và trả đũa các lệnh trừng phạt, trong khi đó, Nhà Trắng không có con đường ngoại giao rõ ràng để lèo lái 2 đối thủ lâu năm tránh khỏi đối đầu.

“Nếu đúng là Iran đứng sau vụ tấn công các tàu ở vùng Vịnh thì hành động đó thật liều lĩnh và nguy hiểm. Thật đáng buồn, đây là hậu quả có thể phần nào đoán được từ chiến lược ngoại giao cưỡng ép của Mỹ. Rủi ro là cả Tehran và Washington đều tiếp tục làm leo thang tình hình”, William J. Burns, cựu Phó Ngoại trưởng dưới thời chính quyền Obama nói. 

Tổng thống Donald Trump dường như cảm nhận được điều này, giống như thời điểm 2 năm trước, khi ông đe dọa trút “lửa và thịnh nộ mà thế giới chưa bao giờ thấy” với Triều Tiên. Đến đầu năm sau, ông đảo ngược chiến lược, bắt đầu đàm phán và tuyên bố rằng ông có nhiều thời gian để giải quyết một cuộc khủng hoảng hạt nhân mà ông từng gọi là “cấp bách”.

Nhưng Triều Tiên và Iran là 2 nước với tiềm năng rất khác nhau. Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân, khiến họ có đòn bẩy mà Iran không có. Trong khi ông Kim Jong-un là lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối, Tổng thống Iran Hassan Rouhani có nguy cơ “mất mặt” và có thể là mất cả quyền lực nếu ông đồng ý thương lượng với Mỹ mà không yêu cầu được Washington tham gia lại thỏa thuận năm 2015.

Vì vậy, chính phủ Iran bắt đầu có những phản ứng cứng rắn hơn. Tuy nhiên, họ cũng cố gắng cân bằng giữa răn đe và khiêu khích. Rouhani không công bố khung thời gian ước tính để Iran sản xuất đủ nhiên liệu uranium làm giàu cho vũ khí hạt nhân, nhưng họ đang từng bước mở rộng kho dự trữ nhiên liệu hạt nhân cấp độ lò phản ứng (chưa phải cấp độ vũ khí). Iran chưa trực tiếp đối đầu với các lực lượng của Mỹ hoặc Arab Saudi hay Các Tiểu Vương quốc Arab.

Hai tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran là một tổ chức khủng bố và trừng phạt các doanh nghiệp mang đến những nguồn thu chính của họ. Khi cơ quan tình báo Mỹ hồi đầu tháng 5 xác định có mối đe dọa từ Iran, tàu sân bay Lincoln được điều đến các tuyến đường dầu mà Iran có thể đe dọa.

Một cuộc tranh luận nổ ra trong Bộ Quốc phòng Mỹ. Các chỉ huy Mỹ trong khu vực, dẫn đầu bởi tướng Kenneth F. McKenzie, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, kêu gọi tăng gần 20.000 quân trong khu vực. Trong khi đó, tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, kêu gọi thận trọng, lo sợ rằng Iran sẽ thấy động thái đó là hành động khiêu khích - dấu hiệu cho thấy mục tiêu của chính quyền của Donald Trump là thay đổi chế độ. Cuối cùng, ông Donald Trump ra lệnh tăng 1.500 binh sĩ ở Trung Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không đưa ra bằng chứng cho thấy Iran phải chịu trách nhiệm vụ tấn công tàu chở dầu ngày 13/6, mặc dù các quan chức Mỹ nói rằng có video cho thấy tàu tuần tra của Iran tháo một quả ngư lôi chưa nổ ra khỏi thân một tàu chở dầu. Ông nhấn mạnh cuộc tấn công là “mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.

Iran đáp trả rằng “Mỹ và các đồng minh khu vực phải ngừng hoạt động và chấm dứt các âm mưu gây hại cũng như các hoạt động “cờ giả” (hoạt động bí mật tiến hành bởi các chính phủ, tổ chức nhằm vu oan cho một bên khác). Iran nói rằng họ cũng lo ngại về các “sự cố đáng ngờ đối với các tàu chở dầu” và ám chỉ Mỹ đã dàn dựng sự cố.

Ilan Goldenberg, chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho rằng, Iran rất có thể đã thực hiện cuộc tấn công hôm 13/6 do bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. “Đây hoàn toàn là tác động của chiến dịch “gây áp lực tối đa” leo thang của ông Donald Trump. Bạn không thể cứ chọc ai đó rồi cho rằng họ sẽ ngồi yên, không phản kháng. Cuối cùng, họ phải đáp trả. Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang ở bên bờ vực chiến tranh”, Goldenberg viết.

PHƯƠNG VŨ 

 
;
.