Nền kinh tế toàn cầu đang ở một “thời điểm nhạy cảm”, đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải duy trì các biện pháp kích thích và các chính phủ nhanh chóng giải quyết những bất đồng thương mại. Đây là cảnh báo của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đưa ra ngày 6/6.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. |
Trong báo cáo công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra cuối tuần này tại Osaka, Nhật Bản, bà Lagarde cho rằng ưu tiên trước mắt là giải quyết tình hình căng thẳng thương mại hiện nay. Bà cảnh báo những biện pháp đáp trả thuế quan lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng như kinh tế toàn cầu nói chung.
Người đứng đầu IMF kêu gọi các chính phủ “giúp giảm tình trạng căng thẳng thương mại và loại bỏ những chướng ngại vật khác trên đường trở lại mức tăng trưởng cao và bền vững hơn”. Bà Lagarde nêu rõ các nước cần xóa bỏ những rảo cản thương mại được áp đặt gần đây và tránh đưa ra thêm rào cản dưới bất kỳ hình thức nào.
Cũng theo báo cáo của IMF, bất đồng thương mại và vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đồng nghĩa vẫn còn đó những quan ngại về khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu, đòi hỏi các nước phải tiếp tục thực thi những chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. IMF nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn ở thời điểm nhạy cảm, việc kết hợp nhiều chính sách cần được xem xét thực hiện thận trọng.
Ngoài ra, với việc tỷ lệ lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương, IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách duy trì các biện pháp kích thích kinh tế, đồng thời sẵn sàng hành động trong trường hợp xuất hiện những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
THÙY AN (Vietnam+)