Ngày 26/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố hoan nghênh quyết định của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khi chấp thuận ủy nhiệm cho Ủy ban châu Âu ký kết các Hiệp định về thương mại tự do (EVFTA) và về bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa EU và Việt nam.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. |
Chủ tịch Juncker cho biết, sau Singapore, các Hiệp định với Việt Nam mới chỉ là trường hợp thứ 2 được ký kết giữa EU và một quốc gia Đông Nam Á, và đây chính là bước đệm cho một cam kết lớn hơn giữa châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Chủ tịch EC nhấn mạnh đây cũng là một tuyên bố chính trị của hai đối tác cùng giao thương cởi mở, công bằng và dựa trên các quy tắc.
Cao ủy Thương mại Cecilia Malmström bày tỏ rất vui mừng khi thấy các quốc gia thành viên đã bật đèn xanh cho việc ký kết các Hiệp định thương mại và đầu tư giữa EU với Việt Nam. Bà đánh giá Việt Nam là một thị trường sôi động và đầy hứa hẹn với hơn 95 triệu người tiêu dùng, đồng thời cả hai bên sẽ cùng thu được lợi ích từ mối quan hệ thương mại mạnh mẽ này.
Ngoài những lợi ích rõ ràng về kinh tế, các Hiệp định cũng sẽ thúc đẩy việc tăng cường tôn trọng quyền con người, quyền của người lao động và bảo vệ môi trường. Cao ủy Cecilia Malmström hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong quá trình vừa qua - mà việc phê chuẩn Công ước của Tổ chức lao động quốc tế gần đây về thương lượng tập thể là một minh chứng tuyệt vời về cách mà các hiệp định thương mại có thể khuyến khích việc áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn.
Thay mặt EU, Ủy viên Thương mại Cecilia Malmström cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Romania Stefan Radu Oprea, sẽ ký các Hiệp định trên tại Hà Nội vào ngày 30/6. Sau khi được ký kết, các Hiệp định sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam cũng như Nghị viện châu Âu để phê chuẩn. Một khi Cơ quan lập pháp của hai bên đồng ý, Hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực và đi vào thực thi.
Trong khi đó, ngoài các thủ tục trên, EVIPA còn cần phải được các Nghị viện của các quốc gia thành viên EU phê chuẩn theo thủ tục nội bộ của từng nước.
KIM CHUNG (Vietnam+)