Cơ hội để tiến gần hơn đến một thỏa thuận toàn diện chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai siêu cường kinh tế Mỹ - Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ tan biến khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa xác nhận sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong vài ngày tới.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) trao đổi cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong một cuộc đàm phán hồi tháng 2. |
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 7-5 cho biết, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump trước đó về việc tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% sẽ có hiệu lực kể từ 12h01 ngày 10-5 tới. Đây được coi là hành động trả đũa của Washington trước việc các nhà đàm phán thương mại của Trung Quốc đã đi ngược lại các cam kết thương mại được thỏa thuận trước đó, trong đó có chuyển giao công nghệ.
“Trong suốt tuần qua, chúng tôi đã thấy Trung Quốc làm ngược lại so với những gì đã cam kết, điều này theo quan điểm của chúng tôi là không thể chấp nhận được”, ông Robert Lighthizer cho biết, đồng thời lên tiếng xác nhận các vòng đàm phán tiếp theo giữa Mỹ - Trung Quốc tại Washington vẫn sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 9 và 10-5.
Về phần mình, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Đoàn đàm phán của Trung Quốc đang chuẩn bị tới Mỹ để thảo luận. Chúng tôi vẫn hy vọng Mỹ có thể làm việc tốt với Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, một trong những quan chức được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tin cậy và là người phụ trách chương trình đàm phán thương mại với Mỹ trong các vòng đàm phán với Washington được Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận sẽ tham gia phái đoàn lần này, bác bỏ những tin đồn trước đó về sự vắng mặt của ông như một tín hiệu trả đũa của Bắc Kinh trước hành động “đổ thêm dầu vào lửa” từ phía Washington.
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ chấm dứt “thỏa thuận đình chiến kéo dài 5 tháng” trong cuộc chiến thương mại vốn gây tổn thất hàng tỷ USD đối với hai nền kinh tế, làm chậm tốc độ tăng trưởng toàn cầu và gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất.
Việc ông Trump gây thêm sức ép đối với Trung Quốc trước vòng đàm phán mới sắp tới bộc lộ một thực tế rằng những điểm còn vướng mắc, bất đồng giữa hai nước là những vấn đề khó khăn nhất không dễ vượt qua. Các nhà phân tích kinh tế cho rằng nguyên nhân khiến Tổng thống Trump đưa ra động thái trên là do kinh tế Trung Quốc vẫn đang khởi sắc, tăng trưởng ổn định trong quý I năm nay bất chấp xuất khẩu sang Mỹ giảm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện chiến thuật gây áp lực mạnh mẽ và buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ trên bàn đàm phán lần này, Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung từ Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) nhận định.
Có thể nói, chính vì những dấu hiệu khả quan trong tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc hoàn toàn có cơ sở để “tự tin hơn” trong lần đàm phán sắp tới, trong khi động thái của ông Trump đang phải chịu những sức ép nhất định từ phía cử tri.
“Trung Quốc đang ở vị thế đàm phán tốt hơn. Họ không cần phải vội vàng. Nếu hai bên chưa đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ mất nhiều hơn là Trung Quốc”, Wang Yong, chuyên gia thương mại quốc tế tại Đại học Peking nói.
Tuy vậy, các nhà phân tích cũng cảnh báo về những nguy cơ khi thuế quan mới sẽ phá tan đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. “Nếu thuế quan mới được áp dụng thì những tác động tiêu cực mà nó mang lại sẽ xảy ra trong vài tháng tới”, bà TaoWang, nhà kinh tế chuyên về Trung Quốc tại UBS nhận định. Tờ Nytimes trong một bài phân tích thậm chí còn so sánh Tổng thống Mỹ với nhân vật phản diện Thanos trong bộ phim bom tấn Avengers: Endgame khi cho rằng ông Trump có thể “làm biến mất” một nửa các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ bằng một cái búng tay.
Hiện tại, tương lai của cuộc đàm phán sắp tới giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là điều khó dự đoán nhưng sẽ không còn lạc quan như trước đây. Trong khi một số nhà kinh tế tỏ ra tin tưởng trước chiến thuật của ông Trump sẽ tạo động lực cho các nhà đàm phán hai nước, nhiều người tỏ ra lo ngại.
“Trung Quốc không thể nhượng bộ theo ý Mỹ muốn khi đang bị chĩa súng vào đầu. Nếu mức thuế ông Trump đe dọa được thực hiện vào ngày 10-5 tới, Trung Quốc sẽ phải đáp trả”, Zhou Xiaoming - cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định, Chiến lược gia thị trường Châu Á - Thái Bình Dương tại J.P. Morgan Tai Hui cho rằng, chiếc lược của ông Trump có thể phản tác dụng và sẽ khiến Trung Quốc cứng rắn hơn và kéo dài cuộc chiến thương mại. “Chúng ta đã có bài học cách đây 1 năm, Bắc Kinh có thể sẵn sàng rời khỏi bàn đàm phán nếu Mỹ áp dụng những chiến thuật mà họ không đồng tình”, Tai Hui nhấn mạnh.
HỒ THIÊN