Ngày 4-5, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ xem xét lại kế hoạch khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi gần bờ biển phía Nam của Cộng hòa Cyprus, vốn đã từng bị EU lên án là bất hợp pháp.
Cùng ngày, Hy Lạp đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hoạt động bất hợp pháp khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi Cộng hòa Cyprus, tôn trọng quyền lợi chủ quyền của quốc gia này vì lợi ích của người dân, cũng như tránh những hành động làm suy yếu ổn định khu vực, nối lại đàm phán để hướng đến giải pháp công bằng và khả thi cho vấn đề Cyprus.
Đảo Cyprus bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập “Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus”. Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ cộng nhận Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý ở miền Nam.
Việc phát hiện ra các mỏ dầu khí này ở phía Đông Địa Trung Hải đã khiến Cộng hòa Cyprus và Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố chủ quyền. Mặc dù Cộng hòa Cyprus đã ký thỏa thuận thăm dò với các công ty Eni, Total và ExxonMobil, song Ankara cho rằng điều này đi ngược lại với quyền lợi của cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 3-5 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một thông điệp trên hệ thống telex hàng hải quốc tế (NAVTEX) thông báo các tàu của họ sẽ thực hiện các hoạt động khoan trên Địa Trung Hải cho đến tháng Chín. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hoạt động khoan dầu của nước này là dựa trên “quyền lợi hợp pháp”. Trong khi đó, Cộng hòa Cyprus đã lên án mạnh mẽ động thái của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Nicos Anastasiades coi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là bất hợp pháp và diễn ra trong bối cảnh LHQ đang nỗ lực nối lại đàm phán hòa bình.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Cyprus nêu rõ: “Hành động khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ là sự vi phạm trắng trợn quyền lợi chủ quyền của Cộng hòa Cyprus theo Luật quốc tế và EU”. Bộ này cho biết Cộng hòa Cyprus sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để giải quyết tình hình.
KIM CHUNG-ĐẶNG ÁNH