Che guevara và con đường cách mạng

Thứ Bảy, 18/05/2019, 09:43 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 29-12-1951, trên chiếc mô tô 500 phân khối, một sinh viên Y khoa 23 tuổi người Argentina là Ernesto Rafael Guevara de la Serna cùng bạn thân là Alberto Granado rời khỏi thành phố Cordoba để thực hiện chuyến đi xuyên châu Mỹ gần 15.000km, từ dãy núi Andes đến lưu vực sông Amazon. Sau 8 tháng rong ruổi, cuộc hành trình kết thúc và những điều mắt thấy tai nghe đã dẫn Ernesto Rafael Guevara de la Serna đi theo một con đường mới: “Cách mạng”. Ông trở thành bất tử với cái tên Che Guevara...

Guevara lúc còn là sinh viên Y khoa
Guevara lúc còn là sinh viên Y khoa.

KHỞI ĐẦU TỪ MỘT CHUYẾN ĐI

Sinh ngày 14-6-1928 tại Rosario, Argentina, sau khi hoàn tất bậc trung học, Ernesto Rafael Guevara de la Serna (từ đây gọi tắt là Guevara) thi vào Đại học Y khoa Buenos Aires. Do mắc chứng hen suyễn nên từ bé nên Guevara chọn bệnh lý này làm chuyên ngành.

Ngày 1-1-1950, Guevara thực hiện chuyến phiêu lưu đầu tiên trong đời. Với chiếc xe đạp hiệu Micron có gắn động cơ, Guevara đã đi một quãng đường dài 4.500km. Tại Chanar, ông làm việc trong một bệnh viện dành riêng cho người bị bệnh phong. Ở đồng bằng Pampas, Guevara sống chung với các công nhân xây dựng xa lộ quốc gia. Ở cảng biển Rio Grande, ông tìm hiểu cuộc sống của các thủy thủ tàu buôn bằng cách cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ.

Tháng 10-1951, tại thành phố Cordoba, Guevara tình cờ gặp lại người bạn hồi học chung trường Y là bác sĩ Alberto Granado. Trong cuộc trò chuyện, Guevara rủ Granado thực hiện một chuyến đi xuyên châu Mỹ, và được Granado đồng ý. 

Ngày 29-12-1951, Guevara và Granado lên đường bằng mô tô 500 phân khối hiệu La Poderosa II. Trong nhật ký, ông viết: “Tiến về miền Bắc, tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy chỉ là bụi ở phía trước...”. Lúc ấy, Guevara không ngờ rằng mục đích của chuyến đi ban đầu đơn thuần chỉ là một cuộc phiêu lưu, khám phá những miền đất lạ, nhưng nó lại dẫn ông đến một bước ngoặc, làm nên lịch sử về sau này. Paulo Drinot, giáo sư lịch sử Mỹ Latinh tại Đại học London, Anh và đồng thời là người biên tập cuốn sách: “Chuyến du lịch của Che Guevara - Cuộc cách mạng ở Mỹ La tinh” nhận định: “Che lớn lên trong một gia đình trung lưu và đó là môi trường thuận lợi trong quá trình nhận thức chính trị. Hơn nữa, với nghề nghiệp bác sĩ, Che có điều kiện tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội, thấy rõ sự bất công đối với những người nghèo…”.

Sau khi rời Cordoba, điểm đầu tiên mà Guevara và Granado dừng chân là thủ đô Buenos Aires và thành phố ven biển Miramar trước khi băng qua các hoang mạc cằn cỗi rồi tiến vào dãy núi Andes. Bác sĩ Granado cho biết: “Bị hành hạ bởi bệnh suyễn kinh niên, trái tim Guevara còn phải chịu thêm sự tan vỡ khi nhận được lá thư chia tay từ người bạn gái của mình”. 

Hơn 1 tháng sau, Guevara và Granado đến Chile. Tại đây, chiếc mô tô La Poderosa II bị hỏng nặng, không thể sử dụng được nữa nhưng chuyến hành trình vẫn tiếp tục bằng cách đi nhờ xe ngựa, xe bò và thậm chí đi bộ. Trong cuốn “Nhật ký du hành”, Guevara viết: “Chúng tôi băng qua sa mạc, qua những cánh rừng mưa nhiệt đới bằng tất cả mọi loại phương tiện người ta cho quá giang. Có những đêm, chúng tôi ngủ nhờ trong gara, kho thóc. Có đêm ngủ nhờ ở đồn cảnh sát và không thiếu những đêm ngủ ngoài trời”.

Rời Chile, Guevara và Granado đến Peru. Khi đi thăm hồ Titicaca và tàn tích  Machu Picchu của người Maya, Guevara gọi đó là “biểu tượng của chủng tộc bản địa mạnh nhất châu Mỹ”. Tại những mỏ khai thác đồng ở Chuquicamata, điều hành bởi một công ty Mỹ, chứng kiến đời sống khổ cực của công nhân, Guevara viết: “Điều quan trọng là để tìm kiếm những mẩu quặng, sức khỏe công nhân bị tàn phá nghiêm trọng nhưng mức lương mà họ nhận được lại rất khiêm tốn, không đủ cho những sinh hoạt hàng ngày…”.

Bác sĩ Alberto Granado và chiếc mô tô La Poderosa II đã được phục chế
Bác sĩ Alberto Granado và chiếc mô tô La Poderosa II đã được phục chế

CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG

Cũng tại Peru, Guevara và Granado tận mắt nhìn thấy sự đói nghèo, nhất là người da đỏ bản địa bị đối xử như công dân hạng 2. Guevara viết: “Họ nhìn chúng tôi bằng con mắt của những kẻ thua cuộc. Cái nhìn của họ đã được thuần hóa, gần như sợ hãi. Tôi có cảm tưởng rằng họ sống chỉ vì thói quen, buộc phải sống mà thôi”.

Bước sang tháng thứ 4 của cuộc hành trình trên đất Peru, Granado và Guevara dừng lại tại trại điều trị bệnh phong San Pablo. Tại đây, cả hai dành ra 3 tuần để cùng 1 bác sĩ duy nhất của trại, tiến hành thăm khám, điều trị cho 600 bệnh nhân. Theo Guevara, những bệnh nhân phong ở San Pablo sống trong những điều kiện rất bi đát. Ông viết: “Họ không được đối xử như những con người bình thường. Họ bị coi là động vật. Người ta tập trung họ lại để tránh lây lan cho những người khác chứ không phải là để chữa lành cho họ”. 

Tiếp tục chuyến đi, cả hai xuôi dòng Amazon bằng một chiếc bè gỗ, được đặt tên là Mambo-Tango nhưng nó nhanh chóng kết thúc bởi họ không chịu nổi sự tấn công của từng bầy muỗi đói. Cập bến Leticia, Colombia, trong 9 ngày Guevara và Granado thành lập một đội bóng gồm những thanh niên địa phương, Guevara chơi ở vị trí thủ môn. Sự đoàn kết của đội bóng đã khiến Guevara nghĩ đến một cái gì đó lớn lao hơn, mạnh mẽ hơn ở tầng lớp lao động vô sản. Theo giáo sư Paulo Drinot, hạt giống cách mạng đã hình thành trong tư tưởng của Guevara kể từ lúc ấy, chỉ chờ gặp được mảnh đất màu mỡ để nó nảy mầm. 

Từ Leticia, Guevata và Granado đến Bogota bằng máy bay. Tiếp theo, họ đi xe bus, xe tải đến Caracas, Venezuela. Tại Caracas, Granado tìm được việc làm trong một bệnh viện còn Guevara một mình tiếp tục hành trình. Trong nhật ký, ông viết: “Tôi đến Miami rồi trải qua 3 tuần lễ ở nước Mỹ. Thời gian này giúp tôi có cái nhìn rõ hơn về sự đối xử bất công với người da màu trong xã hội Mỹ, những bất bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế, những đàn áp chính trị và sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản…”. 

Tháng 8-1952, Guevara quay lại trường Đại học Y khoa ở Argentina để hoàn tất những môn học cuối cùng. Ngày 16-6-1953, ông tốt nghiệp bác sĩ. Và thay vì nhận việc trong một bệnh viện, Guevara lại cùng người bạn thân là Carlos Calica Ferre thực hiện một chuyến phiêu lưu tới Bolivia bằng xe lửa. Sau vài tháng ở Lapaz, thủ đô Bolivia, cả hai đi Ecuador rồi tiếp theo là Costa Rica. Tại Guatemala, Guevara gặp Hilda Gadea - người sau này sẽ trở thành vợ ông. Được Hilda giới thiệu với những người Cuba lưu vong trong phong trào 26-7 (là phong trào nổi dậy chống chính phủ độc tài Batista, lúc ấy đang cai trị Cuba, do Fidel Castro lãnh đạo), Guevara viết trong nhật ký: “Ngay lập tức, tôi nhận ra đây chính là lý tưởng mà tôi đang tìm kiếm”. 

Sau gần 2 năm làm việc tại một bệnh viện ở Guatemala, Guevara và Hilda Gadea đi Mexico. Tháng 7-1954, Guevara gặp Fidel Castro lần đầu tiên rồi chỉ một thời gian ngắn, Guevara chính thức gia nhập hàng ngũ cách mạng Cuba. Ông được Nico Lopez - một thành viên của phong trào 26-7 đặt cho biệt danh là “Che”.

Ngày 28-11-1956, Che cùng 82 du kích bí mật trở về Cuba trên con tàu Granma. Sau gần 2 năm tiến hành chiến tranh cách mạng, ngày 4-1-1959, Fidel Castro cùng đội quân du kích tiến vào La Habana, nhà độc tài Batista bỏ chạy ra nước ngoài.

Mặc dù nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cách mạng, nhưng Che không bao giờ quên tình bạn của ông với Granado. Năm 1961, Che mời Granado đến Cuba rồi cả hai cùng thành lập trường Đại học Y khoa Habana. Tôn chỉ “chữa bệnh không mất tiền” của Che đến bây giờ vẫn được Nhà nước Cuba áp dụng.

Vũ Cao (Theo History - The Diary of Che Guevara)

;
.