Dù ra đời muộn, nhưng bom chìm đã giúp quân đội các nước đối đầu với Đức trong thế chiến 1 vô hiệu hóa các tàu ngầm cực kỳ nguy hiểm của hải quân Đức.
CÁI GIÁ CỦA VIỆC COI KHINH TÀU NGẦM
Vào đầu thế chiến 1, các nhà chiến lược của hải quân Anh không tin rằng tàu ngầm quân sự của Đức (U-Boat) sẽ làm mưa làm gió ở Đại Tây Dương và Biển Bắc. Theo các vị này, trận chiến trên biển sẽ do các chiến hạm mặt nước đảm nhiệm. Công nghệ tàu ngầm khi đó bị xem là không hiệu quả và không đáng tin cậy.
Và chỉ một thời gian ngắn sau đó, phe Đồng minh chống Đức đã phải trả giá đắt cho nhận định nông cạn ban đầu. Tàu ngầm sau đó không chỉ thay đổi cách nghĩ của nhà hoạch định chính sách hải quân về vấn đề tác chiến trên bề mặt nước mà còn gây ra một cơn hoảng loạn trong các tư lệnh Đồng minh về chiến thuật chống tàu ngầm. Về sau, phát minh của hải quân Anh về bom chìm (còn gọi là “thùng nổ sâu”) đã giúp chuyên nghiệp hóa tác chiến chống tàu ngầm và thay đổi mãi mãi cách nhìn nhận của các chiến lược gia về hải chiến.
Chỉ trong 3 tháng đầu tham gia thế chiến 1, hải quân Anh đã mất 3 tuần dương hạm do bị tàu ngầm Đức tấn công - đây thực sự là một cú sốc đối với nước Anh. Nhiều viên chỉ huy Anh không chịu tin rằng tàu ngầm lại có thể đánh đắm các tàu mặt nước của Anh nên họ đã quy trách nhiệm về các vụ đắm này cho thủy lôi. Chiến tranh tiếp diễn và tàu ngầm Đức tiếp tục thống trị các vùng biển mà không có đối thủ. Ban đầu một số tư lệnh hải quân Anh không thể quen với ý nghĩ rằng lực lượng hải quân của họ có thể phải thay đổi chiến thuật để đối đầu với một đối phương vô hình và không dò tìm ra được.
Người Anh cuối cùng cũng chấp nhận thực tế về mối đe dọa của tàu ngầm Đức. Tuy nhiên trong thời gian đầu, hạm đội trang bị kém của họ phải vô cùng chật vật trong phòng thủ trước các tàu U-Boat.
Mãi đến tận năm 1915, các tàu Anh vẫn áp dụng chiến thuật đưa thuyền tuần tra bám theo các kính tiềm vọng (của tàu ngầm) lộ trên mặt nước và dùng búa để đập liên hồi lên đó. Thủy thủ Anh thậm chí còn bắt đầu cố gắng gắn bom nặng vào các kính tiềm vọng đó. Thế nhưng việc gắn bom cũng khó như việc dùng búa để nện. Đến năm 1917, Cục Tình báo Hải quân Mỹ vẫn khuyên các hạm trưởng quay đầu tàu và đâm va với các kính tiềm vọng của tàu ngầm Đức. Nhưng điều này cùng lắm chỉ làm cho tàu Đức trồi lên mặt nước và về cơ bản vẫn không làm vơi đi nỗi sợ của các thuyền trưởng phe Đồng minh.
ĐỘT PHÁ BOM CHÌM TỪ CƠ CHẾ NỔ THỦY TĨNH
Trong lúc các thuyền trưởng Anh phải xoay sở tìm đủ mọi cách để xua đuổi tàu ngầm Đức thì Ủy ban Tấn công Tàu ngầm (SAC) của hải quân Hoàng gia Anh bắt đầu tiến hành nghiên cứu về cách thức đối phó với tàu ngầm. Quá trình này cuối cùng dẫn tới sự ra đời của bom chìm.
Năm 1913, SAC ra lệnh phải có một loại “mìn thả xuống được” nhưng công nghệ không theo kịp được lý thuyết. Vào năm 1914, kỹ sư Herbert Taylor của hải quân Anh phát minh ra van thủy tĩnh sử dụng áp lực để mở rộng ống bễ. Kim hỏa khi ấy có thể được điều chỉnh từ ống bễ theo các khoảng cách khác nhau để quyết định độ sâu mà tại đó bom sẽ được kích nổ.
Thử nghiệm ban đầu về “cơ chế nổ thủy tĩnh” cho thấy hướng đi này là có triển vọng. Vấn đề duy nhất còn lại là việc hoàn thiện chất nổ và xác định độ sâu tối ưu cho bom chìm. Việc sản xuất bom chìm trên quy mô lớn bắt đầu vào năm 1916. Vụ đánh đắm tàu U-Boat đầu tiên được ghi chép vào ngày 22-3-1916 ở ngoài khơi Ireland. Ban đầu hải quân Anh chỉ phân bổ 2 bom chìm cho mỗi tàu, nhưng đến năm 1917, con số này đã tăng lên thành 4. Vào năm 1918, mỗi tàu Anh loại lớn được nhận từ 30-50 quả bom chìm. Nhiều tàu nhỏ hơn cũng được cấp thiết bị phóng bom.
Việc sử dụng các bom chìm đã tạo thêm một kích thước mới cho tác chiến trên biển, làm cho hải chiến không chỉ là trên bề mặt mà còn cả trong lòng nước biển. Bom chìm tiếp tục được dùng ở mức độ cao cho tới trong thế chiến 2. Bom chìm thực sự đã giúp các tư lệnh hải quân phe Đồng minh trở nên tự tin hơn nhiều.
TRUNG HIẾU