Bí ẩn loại vũ khí hạt nhân nhỏ nhất thế giới
Trong những năm 1950, các lực lượng Mỹ bị dàn trải khắp nơi một cách nguy hiểm. Tổng thống Dwight D. Eisenhower từng nói: “Cảm giác của tôi vẫn là Mỹ sẽ không thể duy trì cam kết quân sự hiện nay trên toàn thế giới nếu chúng ta không có vũ khí nguyên tử và ý chí sử dụng vũ khí này khi cần thiết”.
Một khẩu Davy Crockett. (Ảnh: todayifoundout) |
Khi đó, người Mỹ không hài lòng với siêu pháo hạt nhân M65 mới được phát triển vì nó cần tới hai xe tải rất lớn để chở. Hơn nữa sử dụng loại siêu pháo này trong nhiều trường hợp chiến thuật sẽ không khác gì “giết gà bằng dao mổ trâu”. Do đó, giới chức quân đội Mỹ bắt đầu tìm kiếm một loại vũ khí nhỏ hơn.
Thứ họ thực sự muốn là một vũ khí đơn giản có thể phóng đầu đạn hạt nhân mini, chỉ cần vài binh sĩ là có thể mang vác được và có thể được khai hỏa nhanh chóng, đáng tin cậy. Khi đó, vũ khí hạt nhân nhỏ nhất thế giới mang tên Davy Crockett xuất hiện. Mẫu đầu tiên của Davy Crockett, hay còn được gọi là M388, được hoàn thành vào tháng 5-1961. Davy Crokett gồm đầu đạn hạt nhân W54 được bắn từ súng không giật nòng trơn M-28 hoặc M-29. M388 có thể phóng hạt nhân có đương lượng nổ 10 hoặc 20 tấn xa tới 2km từ M-28 và 4km từ M-29. Đầu đạn W54 tương tự như bom nguyên tử nhưng kích thước rất nhỏ, chỉ nặng vài chục kilogram. Để đạt khả năng di động tối đa, Davy Crockett có thể được triển khai hoặc bắn từ sau một xe jeep. Davy Crockett thậm chí còn được tách ra thành nhiều bộ phận để 5 binh sĩ mang vác đi bộ.
Quy trình chung để bắn một phát đạn hạt nhân hơn 34kg khá đơn giản. Đầu tiên, một phát bắn điểm sẽ được thực hiện để đảm bảo vũ khí có hướng ngắm hợp lý. Sau đó, để đầu đạn hạt nhân được bắn đúng mục tiêu, góc súng sẽ được điều chỉnh dựa theo phát bắn thử. Để điều chỉnh, pháo thủ sẽ dựa vào một quyển sách nhỏ có bảng biểu cùng các con số đã tính sẵn để chọn ra góc chuẩn. Tuy nhiên, khi bắn thử không dùng đạn hạt nhân thật, M388 lại không hoạt động chính xác. Có lẽ là do cả việc điều chỉnh góc bắn và do đây là loại vũ khí nòng trơn. Tất nhiên, việc M388 bắn đầu đạn hạt nhân khiến cho mức độ không chính xác này cũng không thành vấn đề lắm như đối với các vũ khí thông thường khác.
Có một máy hẹn giờ được thiết lập dựa trên khoảng cách ước tính từ súng tới mục tiêu để kích hoạt đầu đạn hạt nhân. Máy hẹn giờ sử dụng các con số được đưa ra trong cuốn sách có các bảng tính toán sẵn. Tuy nhiên, máy hẹn giờ lại không phải là thứ kích hoạt đầu đạn hạt nhân. Thứ kích nổ chính là một thiết bị radar đơn giản lắp phía sau M388 để phát hiện đầu đạn hạt nhân cách mặt đất bao xa. Còn có một nút để điều chỉnh độ cao kích nổ dựa trên thông số do thiết bị radar đưa ra.
Không giống như các loại vũ khí hạt nhân khác, M388 là một vũ khí hạt nhân không thông minh. Một khi đã thiết lập máy hẹn giờ và đầu đạn hạt nhân được bắn ra, nó hoặc là phát nổ hoặc là trở nên vô dụng. Không thể hủy bỏ kích nổ sau khi phóng đầu đạn.
Nghe có vẻ phức tạp nhưng khai hỏa Davy Crockett không hề mất nhiều thời gian. Ông Thomas Hermann, từng là binh sĩ trực tiếp sử dụng Davy Crockett, cho biết họ đã được huấn luyện và cứ 2,5 phút họ có thể bắn một đầu đạn hạt nhân.
Dù là loại hạt nhân có năng lượng thấp nhưng loại vũ khí này cũng tạo ra một vụ nổ ước tính lớn như các thiết bị nổ phi hạt nhân có sức nổ lớn cùng thời kỳ. Tuy nhiên, không giống nhiều loại vũ khí cùng thời, M388 lại tương đối nhỏ và có thể mang vác. Điều quan trọng hơn là vũ khí này có sức công phá trên diện rộng sau vụ nổ đầu tiên. Đặc điểm này rất hữu ích khi khai hỏa quanh các tuyến đường quan trọng mà binh sĩ kẻ thù phải đi qua. Vụ nổ ban đầu không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng cho binh sĩ và phương tiện của kẻ thù xung quanh đó mà phóng xạ sẽ gần như chắc chắn gây chết người cho bất kỳ ai trong trong bán kính 400m. Không chỉ thế, phóng xạ sẽ còn tồn tại lâu xung quanh địa điểm nổ, khiến một số tuyến đường không thể qua lại trong vài ngày.
Bản thân Davy Crockett cũng cực kỳ không an toàn với những người điều khiển nó. Các binh sĩ kích nổ đầu đạn hạt nhân có thể an toàn trong khoảng cách từ 2 đến 4km trong vụ nổ. Tuy nhiên, trong thế giới thực, kẻ thù có thể ở gần hơn và một số binh sĩ cùng phe cũng có thể ở gần hơn. Một yếu tố quan trọng nữa là hướng gió. Khi không có gió, vùng nguy hiểm phóng xạ ngay sau vụ nổ là trong vòng 457m. Tuy nhiên, gió có thể dễ dàng thổi những phóng xạ nguy hiểm này tới hướng của chính người bắn. Do đó, các đội bắn M388 được hướng dẫn chỉ bắn khi được một quả đồi hoặc những vật thể tương tự che chắn nhằm giảm phơi nhiễm phóng xạ.
Do đó, lường trước được việc sẽ khó yêu cầu binh sĩ vận hành vũ khí này, sổ tay hướng dẫn sử dụng có lưu ý rằng chỉ huy nhóm binh sĩ điều khiển M388 cần làm cho binh sĩ có cảm giác rất khẩn cấp và liên tục tìm kiếm mục tiêu hạt nhân. Sổ tay cũng nói rằng nếu đầu đạn hạt nhân không nổ vì một lý do nào đó, các binh sĩ cần chờ nửa giờ và sau đó đi thu hồi đầu đạn, sẵn sàng kích hoạt bằng radar.
Dù có mặt ở khắp nơi, từ Tây Đức tới Hàn Quốc với số lượng hơn 2.000 viên đạn hạt nhân và 200 khẩu súng được triển khai, Davy Crockett chưa bao giờ thực sự được sử dụng trong thực chiến. Quân đội Mỹ có bắn thử một lần bằng đạn thật trong Chiến dịch Sunbeam có mật danh thử nghiệm là “Little Feller I” vào ngày 17-7-1962. Đầu đạn hạt nhân bay 2,7km và được kích nổ thành công ở độ cao 9m so với mặt đất. Vụ nổ có đương lượng nổ ước tính 18 tấn thuốc nổ TNT. Đây là lần cuối cùng Mỹ kích hoạt hạt nhân trên không ở cự ly gần mặt đất.
Năm 1963, Mỹ thông qua Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân trong không khí, ngoài không gian và dưới nước. Năm 1967, quân đội Mỹ bắt đầu rút dần vũ khí này và ngừng sản xuất hẳn vào năm 1971.
THÙY DƯƠNG