.

Tương phản thú vị giữa 2 đội ở chung kết Europa League

Cập nhật: 17:31, 24/05/2019 (GMT+7)

Lần đầu tiên trong lịch sử, trận chung kết Europa League sẽ diễn ra giữa 2 đội bóng cùng thành phố. Nhưng trận “derby London” chẳng những sẽ không có chỗ tương đồng nào, mà còn tương phản hoàn toàn về đặc điểm chiến thuật, giữa Arsenal và Chelsea.

Trận “derby London” – Chung kết Europa League 2018-2019 sẽ diễn ra vào 2h00 ngày 30-5, thứ Năm ở sân Olympic (Baku, Azerbaijan).
Trận “derby London” – Chung kết Europa League 2018-2019 sẽ diễn ra vào 2h00 ngày 30-5, thứ Năm ở sân Olympic (Baku, Azerbaijan).

Vẫn biết bóng đá là môn chơi của sự linh động theo tình huống “sống”, chứ không phải là sự đối chọi giữa các sơ đồ “chết”. Dù sao đi nữa, chẳng phải ngẫu nhiên mà sơ đồ chiến thuật luôn tồn tại như một trong những yếu tố quan trọng nhất trong môn thể thao vua, qua hàng trăm năm phát triển. Chelsea và Arsenal tương phản rõ rệt với nhau ngay từ chi tiết căn bản này.

Chelsea của HLV Maurizio Sarri luôn nhập cuộc với sơ đồ chiến thuật 4-3-3. Ở thái cực ngược lại, người ta đành kết luận sau nửa mùa bóng theo dõi và phân tích cách chơi của Arsenal: con đường của HLV Unai Emery là... không theo một con đường nào. Kết luận ấy nhìn chung vẫn đúng trong nửa mùa bóng còn lại. Arsenal thường chơi theo nhiều kiểu khác nhau, dựa trên nhiều sơ đồ chiến thuật khác nhau, tùy vào đối thủ hoặc hoàn cảnh cụ thể. Sơ đồ 4-2-3-1 xuất hiện nhiều nhất, nhưng Emery dùng sơ đồ này chưa tới phân nửa số trận. Kế đến là sơ đồ 3-4-2-1. Khác biệt giữa 2 sơ đồ được Emery sử dụng nhiều nhất là một khác biệt quan trọng, mà trên nguyên tắc thì rất khó hoán chuyển. Đó là cách phòng thủ với 3 hay 4 hậu vệ.

Lại càng phức tạp ở chỗ: trong khi cả hai sơ đồ được dùng nhiều nhất đều chỉ có 1 trung phong, thì Emery lại được đánh giá là HLV hay nhất ở Premier League mùa bóng vừa qua, trong việc sử dụng một cặp trung phong. Ông khai thác giá trị của cặp tiền đạo Pierre-Emerick Aubameyang và Alexandre Lacazette rất tốt, những lúc áp dụng sơ đồ 3-4-1-2 hoặc 4-3-1-2. Đây lại cũng là đặc điểm rất tương phản với Chelsea của HLV Sarri. Bất kể là Alvaro Morata (đã chuyển sang Atletico Madrid từ giữa mùa), Olivier Giroud hay Gonzalo Higuain (mượn của Juventus từ giữa mùa), Chelsea không được nhờ bởi trung phong nào. Sarri đành cải biên tiền vệ Eden Hazard thành cây làm bàn chủ lực và trông cậy khả năng ghi bàn của ngôi sao này. Một mặt, Hazard ghi bàn (16) nhiều gấp đôi cầu thủ kế tiếp trong đội, và kiến tạo bàn thắng (15) nhiều gấp 3 lần người đứng kế tiếp. Mặt khác, xét trong toàn bộ Premier League, không có bất cứ cầu thủ nào sánh được với Hazard ở “nhiệm vụ kép” - cả ghi bàn lẫn kiến tạo (tham gia trực tiếp vào 31 pha ghi bàn).

Trên lý thuyết, Arsenal sẽ dùng hàng thủ 4 người để đối phó với một đội chắc chắn chơi 4-3-3, vì hàng thủ 4 người bao gồm một cặp trung vệ, chứ chẳng ai dùng đến 3 trung vệ (trong hàng thủ có 3 hoặc 5 người) chỉ để đối phó với 1 trung phong bên đội chơi 4-3-3. Nhưng ở đây, đá với Chelsea thì lại chủ yếu là đá với... Hazard - bất kể ngôi sao người Bỉ đứng ở đâu trong đội hình xuất phát.

Khi đôi bên gặp nhau lần đầu tiên ở Premier League thì đấy mới là vòng 2, chưa thể kết luận nhiều điều. Từ đó trở đi, đôi bên nhanh chóng tiến về... hai thái cực khác nhau. Chelsea chơi rất hay và thiên hạ trầm trồ khen ngợi “Sarri-ball”. Nhưng sau 12 trận bất bại thì “Sarri-ball” bị nhận diện và... tác dụng ngược. HLV Sarri lại bị dè bỉu khi Chelsea thua 6 trong 14 trận kế tiếp. Trận thua Man City 0-6 và trận thua Arsenal 0-2 đều nằm trong chuỗi này. Khi thắng Chelsea ở lượt về, Arsenal chơi theo sơ đồ 4-3-1-2. Bên phía Chelsea, Hazard đứng ở vị trí trung phong và bế tắc hoàn toàn (anh bị chấm điểm thấp nhất trên sân). Cuối cùng, Chelsea lại kết thúc Premier League ở vị trí số 3, trong khi Arsenal văng khỏi Top 4.

Đấy không hẳn là sự ngẫu nhiên. Dù là ấn tượng hay tẻ nhạt, thì Chelsea rút cuộc vẫn là đội bóng ít thay đổi nhất và họ đứng vững trong 1/3 cuối cùng của mùa bóng. Arsenal thì thất bại trong giai đoạn đầu, xuất sắc ở đoạn giữa, và lại suy yếu trong chặng cuối. Đấy là phong độ, nhưng phong độ ấy cũng liên quan đến cách chơi (Chelsea luôn ổn định, Arsenal thì thay đổi xoành xoạch).

Phân tích từ khía cạnh khác, ai cũng thấy rằng Sarri-ball là cách chơi thiên về giữ và chuyền bóng. Họ phải triển khai bóng thông qua Jorginho ở khu giữa sân và luôn hướng đến Hazard trên hàng công. Arsenal thì giữ bóng không nhiều trong những trận hay nhất của họ (các trận thắng M.U, Chelsea ở lượt về Premier League, thắng trên sân Napoli, Valencia tại Europa League...). Trong nhiều trường hợp, nhất là ở những trận đấu lớn, đội hình Arsenal thường bị chia hẳn thành 2 nửa khá tách biệt. Tiền vệ trụ phải thường xuyên hỗ trợ phòng ngự, trong khi phía trên thì đã ưu tiên dành chỗ cho cặp tiền đạo, nên phải chịu thiệt ở khu giữa sân. Tình trạng này đòi hỏi phải có một trung vệ giỏi cầm bóng từ hàng thủ lên giữa sân, hoặc giỏi chuyền dài. Arsenal không có mẫu cầu thủ này. Hệ quả là họ phải triển khai bóng chủ yếu ở hai biên. Hậu vệ biên công thủ toàn diện thì Arsenal lại không bao giờ thiếu. Đấy là lý do vì sao Arsenal luôn đáng gờm kể cả khi không giữ bóng nhiều.

Mỗi bên sẽ chơi theo cách của mình, hay ưu tiên cho việc phá lối chơi của đối phương? Chi tiết cuối cùng này, cũng rất tương phản. Chelsea không có gì để mất, nên họ sẽ thoải mái tấn công. Còn Arsenal mà thua thì sẽ mất suất dự Champions League, nên phải thận trọng. Trận đấu do vậy sẽ rất hay. Chứ nếu ngược lại: Chelsea mà thận trọng thì Arsenal có thể... không biết làm gì. Bởi họ chỉ nguy hiểm khi ít giữ bóng, chứ cầm bóng nhiều thì Arsenal lại lộ ra sở đoản là tính sáng tạo không cao.

THƯ KỲ (Tổng hợp)

.
.
.