Ánh sáng tử thần trong bóng tối - Kỳ cuối: Radium không nói dối

Thứ Năm, 09/05/2019, 17:55 [GMT+7]
In bài này
.

Vài tháng sau cái chết của Mollie Maggia, đến lượt hai nữ công nhân là Frances Splettscher và Christie Helene  cũng lần lượt qua đời với những triệu chứng chẳng khác gì Mollie Maggia. Nhiều công nhân khác bắt đầu nghi ngờ cái chất sơn mà hàng ngày họ vẫn chấm vào đầu cọ nhưng Công ty USRC một mực phủ nhận tính độc hại của nó, đồng thời chối bỏ trách nhiệm về trường hợp tử vong của Mollie Maggia, Frances Splettscher và Christie Helene bằng cách đổ cho họ mắc bệnh giang mai…

Grace Fryer lúc chưa đi làm cho USRC và khối u khổng lồ dưới cằm khi đã nhiễm Radium.
Grace Fryer lúc chưa đi làm cho USRC và khối u khổng lồ dưới cằm khi đã nhiễm Radium.

CUỘC CHIẾN TÌM SỰ THẬT

Đầu năm 1923, hơn một nửa công nhân của Công ty USRC xin nghỉ. Trước đó, họ đã yêu cầu USRC phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sức khỏe của họ nếu họ gặp phải những triệu chứng như Maggia, Frances và Christie nhưng USRC từ chối. Cũng từ đó, việc kinh doanh của USRC có dấu hiệu lao dốc vì những tin tức trên các phương tiện truyền thông. Nhiều khách hàng quay lưng với loại “đồng hồ phát sáng”, chỉ còn quân đội Mỹ là vẫn tiếp tục đặt mua theo hợp đồng. Lo sợ bị thị trường tẩy chay, năm 1924 USRC mới ủy nhiệm cho một nhóm chuyên gia để điều tra về mối liên hệ giữa chất Radium phát sáng, dùng trong việc tô vào chữ số đồng hồ với căn bệnh chết người mà 3 nữ công nhân gặp phải. Bản kết luận điều tra cho thấy mỗi công nhân mỗi ngày phải “ăn” radium hàng trăm lần qua việc miết đầu cọ trong miệng, và điều này dẫn đến hệ lụy là răng và hàm của họ tự rụng ra, các hạch bạch huyết sưng to, mạch máu tự vỡ…

Không chấp nhận những cáo buộc ấy, chủ tịch Công ty USRC bỏ tiền mời một nhóm chuyên gia khác, đứng đầu là giáo sư Cecil Drinker thuộc Đại học Harvard và lần này, kết quả công bố đi ngược lại với kết luận điều tra ban đầu. Tất cả những người đã chết vì phóng xạ đều được cho là “chết vì bệnh giang mai”. Chẳng những thế, chủ tịch USRC còn lên án những nữ công nhân “đã cố tình thổi phồng bệnh tật mà họ đã mắc phải từ trước để USRC phải thanh toán những hóa đơn y tế cũng như phải trợ giúp tài chính cho những mất mát tưởng tượng”.

Và sự thật chỉ bắt đầu xuất hiện khi năm 1925, một nam công nhân của USRC là Gordon Brown chết vì nhiễm phóng xạ Radium rồi tiếp theo là nữ công nhân Grace Fryer. Mặc dù không chết nhưng xương hàm, xương ống chân, xương cánh tay và ngay cả xương sống của Grace Fryer bị mất từng mảng lớn, đến nỗi cơ thể cô phải nẹp bằng những thanh thép mới giúp cô đứng được. Một nữ công nhân khác là Eerily, hai chân cô tự nhiên bị rút ngắn một cách bất bình thường rồi tự gãy. Còn với nữ công nhân Irene, cô chết vì một khối u ở vùng xương chậu, được các bác sĩ cho là “lớn hơn hai quả bóng rổ”. Theo bác sĩ Harrison Martland, người đã chứng minh sự liên hệ giữa chất Radium và cái chết của những công nhân USRC thì 3 đến 5 năm kể từ khi nhiễm phóng xạ, cơ thể của người bị nhiễm không hề xuất hiện bất cứ một triệu chứng gì nên Công ty USRC viện vào lý do này để chối bỏ trách nhiệm. 

Catherine Donohue trên giường bệnh nhưng vẫn theo đuổi vụ kiện.
Catherine Donohue trên giường bệnh nhưng vẫn theo đuổi vụ kiện.

Năm 1927, với sự trợ giúp của một luật sư trẻ tuổi là Raymond Berry, Grace Fryer cùng 4 công nhân khác nộp đơn khởi kiện Công ty USRC ra tòa vì đã “cố tình che dấu sự nguy hiểm chết người của chất Radium khi dùng nó để tô lên chữ số đồng hồ bằng cách bắt các công nhân phải miết đầu cọ vào miệng”. Tin tức về vụ kiện - được gọi là “Radium Girls - Những cô gái Radium” đã gây ra một cơn sốc trên toàn nước Mỹ. Thách thức lớn nhất của nhóm Grace Fryer lúc ấy là phải chứng minh bệnh tật họ đang mang trong người cũng như cái chết của những công nhân khác là do Radium chứ không phải do bệnh giang mai trong bối cảnh nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng Radium là chất điều trị ung thư an toàn, hiệu quả!

Một lần nữa, bác sĩ Martland lại vào cuộc. Bằng cách khai quật tử thi của Mollie Maggia, Frances Splettscher, Christie Helene cùng một số nạn nhân khác, đối chiếu với hồ sơ bệnh án, bác sĩ Martland đã giải thích về cơ chế hoạt động của phóng xạ Radium khi đi vào cơ thể con người. Trước tòa, bác sĩ Martland nói: “Nếu nuốt phải chất Radium, 80% sẽ được thải ra ngoài qua phân. 20% còn lại đi vào máu, đến các bộ phận của cơ thể, đặc biệt là xương. Việc khám nghiệm tử thi cho thấy tất cả xương nạn nhân đều có chất phóng xạ Radium và điều này chứng minh vì sao xương của họ bị mất từng mảng, hoặc phát triển thành những khối u kích thước lớn. Đó chính là hậu quả của việc nhiễm Radium từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác…”.

Năm 1928, vụ kiện kết thúc với thắng lợi thuộc về nhóm công nhân do Grace Fryer đứng đầu, USRC phải bồi thường cho họ tổng cộng 250.000 USD đồng thời chính thức thừa nhận về những nguy hiểm của Radium. Cũng trong năm đó, kỹ thuật dùng miệng miết đầu cọ bị cấm hoàn toàn nhưng vì chưa tìm ra được một chất nào đó để thay thế “sơn phát sáng” nên những công nhân tô mặt chữ số đồng hồ bằng Radium bắt buộc phải mặc quần áo bảo hộ lao động có tráng một lớp chì nhằm ngăn cản chất phóng xạ xâm nhập cơ thể họ.

RADIUM KHÔNG NÓI DỐI

Thế nhưng vụ việc vẫn chưa dừng lại. Năm 1938, Catherine Donohue, nữ công nhân Công ty USRC phát hiện một khối u có kích thước lớn như trái bưởi ở phần trên xương hông của mình. Và cũng như Maggia, răng của Catherine Donohue rụng hết rồi tiếp theo là đến khung hàm. Điều này đã khiến cô phải đeo một cái hàm giả trong lúc chất mủ hôi thối luôn tiết ra từ miệng cô. Mặc dù một số bác sĩ đã khuyên cô không nên làm lớn chuyện vì thời gian cô là công nhân ở Công ty USRC trôi qua đã khá lâu nhưng với sự trợ giúp của luật sư Leonard Grossman, Catherine Donohue vẫn quyết tâm tiến hành khởi kiện USRC. Bằng chứng mà Catherine Donohue đưa ra là hồ sơ bệnh án, trong đó bao gồm các phiếu ghi kết quả đo nồng độ Radium trong xương. Nó chứng minh các bệnh tật Catherine Donohue mắc phải đều có nguồn gốc từ phóng xạ.

Một lần nữa USRC lại thua kiện và họ đã kháng cáo. Năm 1939, Tòa án Liên bang Mỹ bác đơn kháng cáo của USRC nhưng khác với vụ kiện do Grace Fryer đứng đầu, USRC chỉ đồng ý bồi thường cho 5 người thì lần này, họ chấp nhận bồi thường mỗi người 10.000 USD cho tất cả những công nhân đã từng làm công việc vẽ mặt chữ số đồng hồ bằng sơn Radium dù trong đó có người chưa phát bệnh. Với những người đã chết, giấy chứng tử của họ được ghi rõ nguyên nhân: “Chết vì các bệnh lý do Radium gây ra”. Trong lịch sử nước Mỹ, đây là lần đầu tiên một công ty phải chịu trách nhiệm về sức khỏe cho toàn bộ những người họ đã tuyển dụng. Nó dẫn đến việc Quốc Hội Mỹ thông qua những điều luật quy định về an toàn lao động cũng như bảo vệ sức khỏe cho người lao động, đến nay vẫn được áp dụng trên toàn nước Mỹ. 

Chiến thắng của Catherine Donohue đã khiến các tổ chức nhân quyền, các nhà nghiên cứu hạt nhân ở Mỹ gọi các “cô gái Radium” là “những phụ nữ đã để lại cho khoa học một di sản vô giá”. Bác sĩ Martland nói: “Grace Fryer và Catherine Donohue là hai trong số những cái tên mà chúng ta phải tôn vinh. Họ luôn hiện diện xung quanh chúng ta dù cuộc sống của họ quá ngắn ngủi. Chất phóng xạ Radium có chu kỳ bán rã là hơn 1.600 năm và bây giờ, nó vẫn nằm trong xương của họ. Nơi huyệt mộ tối tăm, họ vẫn tiếp tục phát sáng như một lời khẳng định: Radium không bao giờ nói dối…”. Người duy nhất trong số các “cô gái Radium” bị tử thần bỏ rơi là Mabel Williams. Từ 16 tuổi đến năm 23 tuổi, cô làm cho USRC và chỉ nghỉ việc khi các đồng nghiệp xuất hiện những triệu chứng của bệnh ung thư. Mabel Williams qua đời tại thành phố Olympia, bang Washington năm 2015, thọ 104 tuổi.

Năm 1968, Radium bị cấm hoàn toàn trong việc tô vẽ mặt chữ số đồng hồ. Nó được thay thế bằng chất Promethi 147, có chu kỳ bán rã là 1,6 năm và chất Triti, chu kỳ bán rã 12 năm. Ở thời điểm hiện tại, Radium không còn được Y học sử dụng như một liệu pháp điều trị bệnh ung thư, mà nó chỉ xuất hiện như một nguồn bức xạ trong các thiết bị X quang công nghiệp để kiểm tra các mối hàn kim loại… 

VŨ CAO

(Theo History - Radium Girls)

;
.