.

10 NĂM TRONG LÒNG TỔ CHỨC KHỦNG BỐ AL QAEDA

Cập nhật: 08:15, 19/04/2019 (GMT+7)

Kỳ 1: Tham gia thánh chiến

Ngày 30-9-2011, tại Yemen, một máy bay không người lái của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã phóng một tên lửa Hellfire, giết chết một trong những kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới: Đó là giáo sĩ Hồi giáo Anwar Al Awlaki, sinh ra ở Mỹ nhưng lại tiến hành “thánh chiến” chống lại nước Mỹ.

Cho đến nay, câu hỏi về việc ai là người cung cấp cho CIA vị trí ẩn náu của Awlaki ở Yemen vẫn chưa được Chính phủ Mỹ tiết lộ mặc dù Morten Storm, điệp viên người Đan Mạch được cho là tác giả vụ không kích tiêu diệt Awlaki, kết quả của 10 năm luồn sâu leo cao trong hàng ngũ tổ chức khủng bố al Qaeda…

Storm (giữa) và các chiến binh thánh chiến al Qaeda.
Storm (giữa) và các chiến binh thánh chiến al Qaeda.

TUỔI THƠ DỮ DỘI VÀ CON ĐƯỜNG  DẪN ĐẾN AL QAEDA

Sinh ngày 2-1-1976 ở thành phố Korsor (Đan Mạch) trong một gia đình công nhân nghèo, người cha nghiện rượu bỏ đi sớm nên Morten Storm thiếu hẳn sự chăm sóc. Có lẽ vì thế nên ngay từ bậc tiểu học, Storm đã nổi tiếng là một học sinh cá biệt với vô số những trận đánh nhau.  Lên trung học, ông được gửi vào trường Tvind, nơi phần lớn cũng là những học sinh cá biệt và hậu quả là năm 13 tuổi, Storm ra tòa án vị thành niên với tội danh cướp tài sản. Bị bắt buộc phải chịu hình phạt cải tạo không giam giữ và bị gửi đến một trường giáo dưỡng đặc biệt, Storm lại tiếp tục đánh nhau và tham gia nhiều phi vụ mua bán hàng hóa trộm cắp, kiếm được khoảng 10.000 Krone (đơn vị tiền tệ Đan Mạch) mỗi tuần.

Năm 21 tuổi, Storm trở thành người cầm đầu băng nhóm xe đạp Bandidos có liên quan đến mua bán ma túy ở cả hai thị trấn Korsor và Slagelse. Trong một trận đại chiến giữa Bandidos và nhóm Hells Angels nhằm tranh giành lãnh địa, Storm bị bắt và bị tù. Những ngày nằm ở trại giam, ông kết thân với một bạn tù theo đạo Hồi, có vợ là người Pakistan sống ở Milton Keynes (Anh). Trong hồi ký: “Cuộc sống của tôi trong lòng Al Qaeda”, Storm viết: “Anh ấy thuyết phục tôi cải đạo sang Hồi giáo. Đối với tôi, cuộc sống ngày càng nguy hiểm và tôi đang cố tìm một lối thoát nên tôi phải thay đổi cuộc sống của mình. Tôi muốn tôi được là chính tôi chứ không phải là cái con người mà hàng ngày bạn vẫn nhìn thấy…”.

Ra tù, Storm tham gia một vụ cướp nhưng vì không đủ chứng cứ nên những cáo buộc của cảnh sát bị tòa án bác bỏ. Biết là khó có thể ở lại Đan Mạch vì cảnh sát liệt ông vào thành phần luôn phải giám sát, Storm sang Milton Keynes (Anh) tìm đến gia đình vợ của người bạn tù. Với sự giúp đỡ của họ, Storm kiếm sống bằng cách bán thuốc lá tại một kios, đối diện với rạp chiếu phim Point. Bước ngoặt đến với Storm khi ông đọc được cuốn sách viết về tiểu sử của nhà tiên tri Mumhammad, người sáng lập đạo Hồi. Trong hồi ký, Storm kể: “Tôi bắt đầu đi nhà thờ Hồi giáo. Tại đó, một nhà truyền giáo hỏi tôi đã từng bao giờ nghĩ đến việc đi thăm một quốc gia Hồi giáo hay chưa? Khi nghe tôi trả lời là chưa, ông ấy bảo để ông ấy sắp xếp”.

2 tuần sau, Storm đến chủng viện Hồi giáo cơ bản tại thành phố Damaaj (Yemen) rồi tiếp theo là Đại học Hồi giáo ở thủ đô Sanaa, nơi quy tụ các jihadist (chiến binh thánh chiến) thuộc tổ chức al Qaeda, đã từng tham gia cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Tại Đại học Hồi giáo Sanna, Storm gặp Abu Taha al-Sudani, lãnh đạo chi nhánh al Qaeda ở Somali và đồng thời cũng là người tuyển dụng jihadist cho Osama bin Laden. Trong hồi ký, Storm viết: “Suốt 9 tháng, tôi được Abu Taha al-Sudani giảng giải ý nghĩa của cuộc thánh chiến và đường lối hoạt động của al Qaeda. Cuối năm 1998, tôi trở lại Milton Keynes, Anh Quốc và tại nhà thờ Hồi giáo Salafi ở Hounslow (London), tôi đã gặp một nhóm jihadist trẻ tuổi. Sau vụ khủng bố Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York (Mỹ), ngày 11-9-2001, tôi mới biết chính nhóm trẻ tuổi ấy là tác giả của vụ tấn công thảm sát này”.

Tháng 1-2001, Storm trở lại Yemen. Trong 1 năm rưỡi, ông học tiếng Arab ở Đại học Hồi giáo Sanaa. Đến tháng 7-2001, Storm chính thức gia nhập tổ chức al Qaeda. Khi cuộc tấn công khủng bố Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York (Mỹ) xảy ra vào ngày 11-9-2001, Storm lọt vào tầm ngắm của Cơ quan An ninh Yemen nên theo lời khuyên của tổ chức, ông trốn đến thành phố Taiz. 

Nhưng cũng kể từ đó, niềm tin vào đạo Hồi của Storm bắt đầu lung lay, nhất là khi al Qaede tổ chức tấn công chiếc tàu dân sự chở dầu Limburg của Pháp ở ngoài khơi Yemen ngày 6-10-2002, vụ đánh bom khu du lịch Bali (Indonesia) ngày 12-10-2002, vụ đánh bom Madrid (Tây Ban Nha) ngày 11-3-2005 và vụ khủng bố Luton (Anh) ngày 7-7-2005… Storm viết trong hồi ký: “Lúc ấy, tôi hoàn toàn không chấp nhận việc tàn sát thường dân không vũ trang. Đó không phải là lời răn dạy của đạo Hồi, lại càng không phải là kế hoạch của đức Allah mặc dù các học giả Hồi giáo đã tìm mọi cách để bào chữa”.

Awlaki, một trong những kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới.
Awlaki, một trong những kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới.

ĐIỆP VIÊN CỦA PET VÀ CIA

Tháng 1-2006, Storm rời Yemen. Trở lại Đan Mạch, Storm quyết định đến gặp Cơ quan An ninh Trinh sát Đan Mạch (Politiets Efterretningstjeneste - viết tắt là PET). Trong buổi gặp gỡ đầu tiên giữa Storm và các đặc vụ PET diễn ra tại khách sạn Raddisson ở Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, Storm khai hết tất cả những gì ông biết về al Qaeda. Lúc nghe Storm nói ông là bạn thân của Anwar al-Awlaki, cả hai quen nhau khi cùng học chung trường Đại học Hồi giáo ở Sanna, PET mừng hơn bắt được vàng vì nhân vật này là một trong những kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất trên thế giới - chỉ sau Osama bin Laden. 

Lập tức, PET thông báo cho CIA. Suốt nhiều tháng sau đó, cả PET lẫn CIA và Cơ quan Tình báo Anh (MI6) tiến hành huấn luyện cho Storm các bài học về nghiệp vụ gián điệp. Để che mắt al Qaeda, Storm vẫn thường xuyên đến nhà thờ Hồi giáo ở  Copenhagen như một tín đồ ngoan đạo, đồng thời duy trì mối liên lạc với các chi nhánh al Qaeda tại một số quốc gia Trung Đông. 

Tháng 9-2006, Storm nhận nhiệm vụ đầu tiên. Theo chỉ thị của PET và CIA, ông đến Tripoli (Lebanon) gặp gỡ nhà truyền giáo cực đoan Omar Bakri, tác giả của vụ đánh bom khủng bố Luton (Anh) ngày 7-7-2005. Trong báo cáo gửi về, Storm cho biết Bakri đang tiến hành “thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Tripoli, giống như tại Fallujah (Iraq)”. Cũng ở Tripoli, Storm còn gặp Saddam el-Hajdib và anh trai ông ta là Khaled, thành viên cấp cao của nhóm khủng bố Fatah al-Islam. Trong hồi ký, Storm viết: “Trên chiếc xe BMW cũ kỹ, tôi cùng Bakri chạy quanh đường phố Beirut. Tất cả đều mặc áo bom để sẵn sàng tự sát trong trường hợp bị bắt”.

Tháng 10-2006, theo lệnh PET, Storm từ Lebanon đi Anh. Tại Birmingham, PET tài trợ cho Storm mỗi tháng 12.000 bảng Anh để ông thành lập công ty Storm Building Construction, làm bình phong cho hoạt động gián điệp, còn MI6 trả tiền hóa đơn điện thoại, xăng xe, ăn uống. Nhiệm vụ của Storm là gia nhập nhà thờ Hồi giáo Somalia ở Small Heath rồi làm quen với Hassan Tabbakh, người Somali, bí danh Omar. Từ lâu, MI6 đã nghi ngờ Omar là chỉ huy chi nhánh al Qaeda ở Birmingham nhưng chưa đủ chứng cứ. Việc nhập vai jihadist của Storm thành công đến nỗi Hassan Tabbakh đã rủ ông tham gia chế tạo bom để tiến hành các vụ khủng bố trên đất nước Anh. 

Tháng 12-2007, cảnh sát Anh bất ngờ đột kích vào nhà riêng của Omar tại Small Heath. Họ tìm thấy ba chai nước ngọt Tango trong tủ lạnh, có chứa một loại hóa chất hỗn hợp cùng với các ghi chú viết tay bằng tiếng Ả Rập, hướng dẫn cách chế tạo bom. Omar ra tòa, nhận án tù 7 năm nhưng ngay từ trước khi vụ đột kích diễn ra,  MI6 đã dàn dựng một vở kịch nhằm giúp cho Storm không bị al Qaeda nghi ngờ. Vì thế, đầu năm 2008, Hammad Khurshid và Abdoulghani Tokhi - là hai kẻ lãnh đạo mạng lưới al Qaeda ở Đan Mạch đã gọi Storm đến Đan Mạch…

VŨ CAO
(Lược dịch từ “Cuộc sống của tôi trong lòng al Qaeda”)

.
.
.