Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với kinh tế Venezuela

Thứ Năm, 18/04/2019, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 18-4, Bộ Tài chính Mỹ đã nhắm mục tiêu trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Venezuela nhằm cắt nguồn cung tài chính cho Chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Venezuela.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Venezuela.

Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên Ngân hàng Trung ương Venezuela và người đứng đầu cơ quan này - bà Iliana Josefa Ruzza Terán - thông qua 2 sắc lệnh hành pháp nhắm vào Chính phủ của ông Maduro và các đồng minh của Venezuela.

Bà Ruzza và ngân hàng do bà lãnh đạo hiện bị cấm trong lĩnh vực tài chính của Mỹ và sẽ không còn có thể tiếp cận bất kỳ tài sản nào thuộc thẩm quyền của Mỹ. Các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ cũng bị cấm thực hiện các giao dịch tài chính với bà Ruzza và ngân hàng này, và các đối tác nước ngoài có liên quan cũng có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin cho biết, Mỹ đang hướng mục tiêu trừng phạt vào Ngân hàng Trung ương Venezuela nhằm ngăn chặn việc ngân hàng này được chính quyền Tổng thống Maduro sử dụng như một công cụ khai thác và làm giàu cho Chính phủ đương nhiệm này. 

Các hình phạt trên là nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm ngăn chặn các hoạt động tài trợ cho Chính phủ của ông Maduro, cũng như hạn chế việc một số quan chức hàng đầu Chính phủ “làm giàu bất chính” cho bản thân.

Nền kinh tế Venezuela đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng trong bối cảnh hỗn loạn chính trị, tình trạng siêu lạm phát và thiếu lương thực.

Ông Mnuchin nói rằng trong khi Chính phủ Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Chính phủ của Tổng thống Maduro và các đồng minh làm giàu cho bản thân, chính quyền đã thực hiện các bước để đảm bảo các giao dịch thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng thường xuyên của người dân nước này có thể vẫn được tiếp tục.

REUTERS

 
;
.