Báo cáo công bố ngày 8-4 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy lượng kiều hối gửi về các nước có mức thu nhập trung bình hoặc thấp trong năm 2018 đạt khoảng 529 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm trước đó và đây được xem là một con số kỷ lục.
Ở châu Á, lượng kiều hối đổ về Nam Á tăng 12%, lên mức 131 tỷ USD, trong khi khu vực Đông Á chứng kiến mức tăng 7%, đạt 143 tỷ USD. Còn ở châu Phi, khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi cũng có mức tăng kiều hối ấn tượng 10%, lên 46 tỷ USD.
Không tính Trung Quốc, lượng kiều hối gửi về các nước lên tới 462 tỷ USD, đáng kể hơn nhiều so với các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn này (344 tỷ USD). Theo ước tính của WB, lượng kiều hối gửi về các nước nghèo và đang phát triển trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lên mức 550 tỷ USD. Tuy nhiên, WB cũng cho rằng nhiều ngân hàng và các tổ chức làm dịch vụ chuyển tiền đang tính mức phí quá cao. Trưởng nhóm báo cáo của WB Dilip Ratha nhận định: “Chi phí chuyển tiền quá cao sẽ làm giảm lợi ích chuyển tiền”. Theo chuyên gia tài chính này, “việc thương lượng lại với các đối tác độc quyền và cho phép những tổ chức mới tham gia hoạt động này thông qua bưu điện quốc gia, ngân hàng và các công ty viễn thông sẽ giúp tăng độ cạnh tranh và giảm phí chuyển tiền”.
Trong các mục tiêu phát triển mà LHQ đặt ra năm 2015 có mục tiêu giảm chi phí chuyển tiền xuống còn 3%, tuy nhiên trên thực tế, mức phí trung bình các ngân hàng áp dụng trong quý I-2019 là 11%, trong khi tại bưu điện là 7%.
THANH PHƯƠNG