Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới đây đã kêu gọi hành động khẩn cấp để xử lý tốt hơn nguồn rác thải điện và điện tử trên toàn thế giới, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người lao động tiếp xúc với rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.
Đại diện các chính phủ, giới công nhân và giới chủ đã thống nhất trong một cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ) rằng cần phải khẩn trương áp dụng các biện pháp bảo vệ người lao động tiếp xúc với rác thải nhựa, vốn được cho là độc hại, nguy hiểm và ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe công nhân cũng như môi trường. Thông báo của ILO nêu rõ, các chính phủ nên tăng cường và thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất và các hệ thống quản lý rác thải ở mọi cấp độ một cách phù hợp, để quản lý hiệu quả nguồn rác thải điện và điện tử đang gia tăng nhanh chóng.
Phó Chủ tịch ILO đại diện cho người lao động của James Towers cho rằng các công nhân trực tiếp xử lý rác thải nhựa thường không có tiếng nói, không có quyền hạn thỏa thuận và thường phải xử lý những loại rác thải độc hại này bằng phương pháp thủ công, tiếp xúc trực tiếp. Bản thân những người lao động này cũng chưa nhận thức hết nguy cơ đe dọa sức khỏe từ công việc họ đang làm.
Theo ILO, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 50 triệu tấn rác thải điện tử ước tính trị giá 62,15 tỷ USD và cho tới nay mới chỉ có khoảng 20% lượng rác này được tái chế. Rác thải điện tử cũng là một nguồn thu ngày càng giá trị với những người lao động không chính thức. Những người lao động này thường thu lượm, sửa chữa, tân trang, tái sử dụng hoặc tái chế thiết bị điện, điện tử, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ sáng tạo cho thị trường và góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế quay vòng.
Phó Chủ tịch ILO phụ trách quyền lợi giới chủ Patrick Van den Bossche cho rằng lĩnh vực rác thải điện tử mang lại cơ hội kinh doanh lớn. Vì vậy cần thúc đẩy nỗ lực tạo các hình thức việc làm bền vững và thích hợp, tạo môi trường hiệu quả cho các doanh nghiệp bền vững, tạo các sản phẩm và dịch vụ mới, đồng thời tạo ra các giá trị tăng thêm thông qua củng cố nền kinh tế quay vòng. Trong khi đó, Phó Chủ tịch ILO phụ trách quyền lợi chính phủ Aniefiok Etim Essah cho biết tại Nigeria, rác thải điện và điện tử đang “thắp sáng” nhiều khu vực. Thế hệ trẻ tại quốc gia này có khả năng sáng tạo và có tiềm năng để học hỏi các kinh nghiệm quản lý rác thải điện và điện tử.
ILO là thành viên của Liên minh Rác thải điện và điện tử LHQ. Liên minh này có mục tiêu tăng cường hợp tác, xây dựng các quan hệ đối tác và hỗ trợ hiệu quả giúp các quốc gia ứng phó với thách thức từ rác thải điện và điện tử.
LÊ ÁNH