Ngày 18-4, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua thỏa thuận một phần về Quỹ quốc phòng châu Âu trong giai đoạn 2021-2027, nhằm hướng tới một cách tiếp cận “thuần châu Âu” hơn về phòng thủ.
Thỏa thuận này được thông qua với 328 phiếu thuận, 231 phiếu chống và 19 phiếu trắng. Quỹ Quốc phòng châu Âu được cho là sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng châu Âu và đặt mục tiêu đưa Liên minh châu Âu (EU) vào nhóm 4 nhà đầu tư nghiên cứu về công nghệ quốc phòng hàng đầu.
Các nghị sĩ đã bỏ phiếu thông qua khoản ngân sách lên tới 11,5 tỷ euro theo tỷ giá năm 2018 (tương đương 13 tỷ euro theo tỷ giá hiện hành). Tuy nhiên, số tiền này vẫn còn phải được thảo luận trong các cuộc đàm phán về ngân sách dài hạn 2021-2027 của EU.
Quỹ quốc phòng châu Âu giai đoạn 2021-2027 bao gồm hỗ trợ chu trình phát triển các sản phẩm quốc phòng từ giai đoạn nghiên cứu (có thể được hỗ trợ tới 100%) tới phát triển nguyên mẫu (tối đa 20%) và kiểm nghiệm (tối đa 80%). Sự tham gia xuyên quốc gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ được khuyến khích, và các đối tượng này sẽ nhận được tỷ lệ tài trợ cao hơn mức trung bình.
Các dự án sẽ được xác định theo những tiêu chí ưu tiên về quốc phòng được các quốc gia thành viên thống nhất trong khuôn khổ chính sách đối ngoại và an ninh chung, bên cạnh đó các tiêu chí khác - ví dụ như của NATO - cũng có thể được tính đến. Chỉ các dự án hợp tác có ít nhất 3 đối tác đến từ 3 quốc gia thành viên hoặc các quốc gia liên kết mới đủ điều kiện tham gia quỹ.
Nghị viện châu Âu nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục đàm phán với các quốc gia thành viên về các vấn đề liên quan hiện còn đang tạm treo.
AP