EU - Nhật Bản thúc đẩy cải cách WTO và đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ

Thứ Sáu, 26/04/2019, 16:53 [GMT+7]
In bài này
.

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Nhật Bản lần thứ 26 diễn ra chiều 25-4 tại Brussels, với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên đã kêu gọi đảm bảo khả năng hoạt động của Cơ quan phúc thẩm thuộc Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-EU tại Brussels (Bỉ) ngày 25-4.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-EU tại Brussels (Bỉ) ngày 25-4.

Tuyên bố cũng khẳng định hai bên cam kết tiếp tục phối hợp để thúc đẩy cải cách tổ chức WTO. Hai bên sẽ tiếp tục làm việc để tăng cường chức năng giám sát trong các ủy ban thường trực của WTO và cùng hợp tác để đảm bảo cho Cơ quan phúc thẩm của WTO có thể vận hành bình thường. Tuyên bố của EU và Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đã chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào Cơ quan phúc thẩm của WTO. Nếu điều này không được giải quyết, cơ quan quan trọng bậc nhất của WTO sẽ không đủ thành viên để xử lý các vụ kiện từ nay đến cuối năm nay.

Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng là dịp để các lãnh đạo hai bên đánh giá những tiến bộ đạt được với các Hiệp định đối tác chiến lược EU-Nhật Bản (SPA) và Hiệp định đối tác kinh tế EU-Nhật Bản (EPA), bắt đầu có hiệu lực từ 1-2-2019. EPA là một trong những Hiệp định có tầm ảnh hưởng kinh tế lớn nhất hành tinh với thị trường hơn 630 triệu người và chiếm gần 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Bên cạnh chủ đề về trao đổi thương mại, Thủ tướng Nhật Bản và các lãnh đạo EU đã thảo luận về quan hệ song phương, về tình hình Bán đảo Triều Tiên và tiến trình Brexit. Ông Abe bày tỏ quan ngại về vấn đề Brexit và nhấn mạnh phải tránh “bằng mọi giá” kịch bản Brexit cứng. Việc London ra đi trong trật tự là điều cần thiết bởi vì các công ty Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều vào Anh như là một quốc gia thành viên EU và họ cần “sự ổn định pháp lý” cũng như sự minh bạch trước mắt.

HOÀNG QUYÊN

;
.