Cuộc sống bế tắc tại sào huyệt ma túy đá ở Đông Nam Á

Thứ Ba, 23/04/2019, 16:43 [GMT+7]
In bài này
.

Tháng 1-2018, cảnh sát Myanmar đột kích vào một ngôi nhà bỏ hoang ở miền bắc bang Shan, thu giữ 1.750 kg ma túy đá (methamphetamine dạng tinh thể), 30 triệu viên yaba (pha trộn methamphetamine với caffeine) và 500 kg heroin với tổng giá trị khoảng 54 triệu USD. Việc số hàng này bị bỏ lại cho thấy những kẻ buôn ma túy đã được đánh động nên “bỏ của chạy lấy người”.

Vị trí bang Shan của Myanmar. Đồ họa: LVFB.
Vị trí bang Shan của Myanmar. Đồ họa: LVFB.

Myanmar là nơi sản xuất thuốc phiện lớn thứ hai thế giới sau Afghanistan và được cho là nguồn cung cấp methamphetamine lớn nhất. Phần lớn ma túy đá bị tịch thu ở châu Á - Thái Bình Dương có xuất xứ từ miền bắc bang Shan. Ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD này cung cấp hàng cho không chỉ các nước láng giềng mà cả các thị trường sinh lời lớn ở xa hơn như Sydney, Tokyo và Seoul.

Bang Shan là một phần của Tam giác Vàng, nơi giao nhau của biên giới Thái Lan, Lào và Myanmar. Có một mạng lưới các nhóm phiến quân địa phương liên kết với các băng đảng buôn ma túy xuyên quốc gia ở đây khiến những kẻ điều chế ma túy dễ dàng che giấu hoạt động và nhanh chóng di chuyển khi bị đánh động.

Heroin và ma túy đá được sử dụng tràn lan ở Shan. Zau Man, cư dân thị trấn Kutkai ở bang này, cho biết gần như mọi hộ gia đình đều có ít nhất một người nghiện. Những kẻ buôn ma túy hoạt động công khai. “Ở một số khu vực, bạn chỉ có thể mua đồ ăn trước 22h, nhưng bạn có thể mua ma túy 24/7”, ông nói.

Myanmar đang phải đối mặt thảm họa về sức khỏe cộng đồng, Jeremy Douglas, người chịu trách nhiệm hoạt động tại Đông Nam Á của Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC), nói.

Ma túy đá được điều chế trong phòng thí nghiệm bằng hóa chất, không yêu cầu bên sản xuất phải trồng cây anh túc như heroin. Những phòng thí nghiệm cũng có thể được ngụy trang bằng vải bạt và dễ dàng di chuyển - điều không thể làm với một cánh đồng hoa anh túc.

Không có số liệu chính xác lượng ma túy đá và viên yaba được sản xuất. Nhưng việc giá thị trường không đổi sau vụ thu giữ 54 triệu USD ma túy đầu năm 2018 cho thấy chúng chỉ là một lượng nhỏ được sản xuất. Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cho biết buôn ma túy được coi như “nền kinh tế chính thức” của bang Shan.

Ma túy đá được chuyển qua các mạng lưới buôn lậu tinh vi đến các thị trường phát triển hơn như Australia, nơi giá bán buôn có thể vượt 180 triệu USD mỗi tấn.

Trong khi đó, yaba được phân phối cho các nước láng giềng của Myanmar, đặc biệt là Thái Lan và Bangladesh. Những viên thuốc màu hồng đang ngày càng được bán với giá thấp ở thị trường nội địa. Douglas gọi đây là “chiến lược thông minh và khôn lỏi” nhằm lôi kéo nhiều người vào con đường nghiện ngập. “Thật đáng ghê tởm, họ thực sự cố khiến “đại dịch” ma túy lây lan trong cộng đồng”, ông nói.

Người nghiện và nhân viên y tế ở ba thị trấn Lashio, Kutkai và Muse tại bang Shan cho biết ba viên yaba chỉ có giá 500 kyat (0,3 USD). Truyền thông địa phương đưa tin ngay cả trẻ em 9 tuổi cũng dùng yaba. Nhiều thợ mỏ, lái xe đường dài và nhân viên làm việc theo ca hít ma túy đá để giữ cho họ tỉnh táo.

Arr San, thanh niên 27 tuổi với mái tóc xơ xác, lục lọi khắp căn lều bên đường ở Muse và lấy ra một chiếc boong được chế bằng chai nhựa mà anh ta đã dùng để hít yaba. San nghiện từ năm 18 tuổi, mỗi ngày dùng 5 viên. Đối với Arr San và nhiều người khác trong khu vực, có rất ít cơ hội để họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo đói và bạo lực. Hai năm trước, San phải bỏ nhà ra đi vì sợ bị ép buộc vào một nhóm phiến quân. Ma túy có thể giúp những người ở đây có giây phút “tiên cảnh”, khiến họ cảm thấy như thoát khỏi cuộc sống khó khăn thường ngày. “Tôi hít ma túy vì rất chán nản với cuộc sống. Chúng giúp tôi thấy thư thái”, San nói. Arr San là một trong số 300 người hàng ngày đến bệnh viện địa phương để điều trị bằng methadone, loại thuốc được sử dụng để cai nghiện.

Không chỉ người nghèo mới lâm vào đường nghiện ngập. Ngày càng có nhiều người giàu có ở thành thị Myanmar nghiện ma túy đá đắt tiền, có độ tinh khiết cao.

UNODC tháng 2-2018 kêu gọi giới chức không phạt người nghiện mà chỉ truy lùng trùm buôn bán. Họ coi dùng ma túy là một vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, Myanmar vẫn giữ quy định cứng rắn với người nghiện. Người giữ dù chỉ một viên yaba cũng phải đối mặt ít nhất 5 năm tù. Ứớc tính khoảng một nửa tù nhân Myanmar là tội phạm ma túy. Việc thiếu kinh phí cho công tác tuyên truyền, phòng chống và cai nghiện khiến “đại dịch” ma túy đá ở Myanmar càng trở nên tồi tệ hơn. “Tôi muốn về nhà gặp mẹ nhưng không thể. Tôi không muốn làm phiền mẹ vì tôi rất ốm yếu”, Arr nói.

PHƯƠNG VŨ (Theo AFP)

;
.