.

Căn cứ tên lửa hạt nhân của Mỹ ở Greenland

Cập nhật: 07:49, 05/04/2019 (GMT+7)

Đã 60 năm kể từ khi người Mỹ tiến hành xây dựng một căn cứ tên lửa hạt nhân nằm sâu dưới lớp băng tuyết ở phía Tây Bắc Greenland (tháng 5-1959), hầu như không người dân Mỹ nào biết về sự tồn tại của nơi này. Chỉ đến tháng 3-2019, tất cả những bí mật về căn cứ ấy mới được bạch hóa và cũng chỉ đến lúc ấy, thế giới mới biết có 600 tên lửa Iceman mang đầu đạn hạt nhân hướng về Liên Xô trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường, thường được gọi là “Chiến tranh lạnh”…

Một phần của Trại thế kỷ lúc bắt đầu xây dựng.
Một phần của Trại thế kỷ lúc bắt đầu xây dựng.

NHỮNG BƯỚC KHỞI ĐẦU CỦA CHIẾN DỊCH ICEWORM

Hôm ấy là một sáng tháng 5-1959, đại tá John Kerkering và đại tá Thomas Evans thuộc Lục quân Mỹ nhìn xuống dải đất mênh mông một màu trắng tinh khi chiếc máy bay vận tải DC-3 lướt đôi càng hạ cánh xuống mặt tuyết. Họ đến đây với một nhiệm vụ tuyệt mật: Đó là khảo sát và đo đạc để tiến hành thành lập một căn cứ tên lửa hạt nhân tầm trung hướng về lãnh thổ Liên Xô với cái tên rất hiền lành: “Trại thế kỷ”.

Được sự đồng ý của Chính phủ Đan Mạch dựa trên hiệp ước thỏa thuận quốc phòng mà trong đó, các quốc gia tham gia tổ chức NATO có thể sử dụng lãnh thổ của nhau để thiết lập các căn cứ phòng thủ, Trại thế kỷ là một phần của Chiến dịch Iceworm, được xây dựng tại một vùng đất hoang vu thuộc lãnh thổ Greenland, quanh năm bao phủ bởi băng tuyết và không hề có người lui tới. Cách Trại thế kỷ 250km là căn cứ không quân Mỹ Thule, nơi đặt một mạng lưới radar chuyên theo dõi các động thái của hệ thống tên lửa Liên Xô. Theo kế hoạch, tùy từng chức năng, Trại thế kỷ được chia thành nhiều khu vực, nằm sâu dưới lớp băng từ 4,5 m đến 50m, gồm 2.100 ống phóng với 600 tên lửa hạt nhân tầm trung Iceman, liên kết với nhau bằng những đường hầm chằng chịt, dài tổng cộng 4.000km. Tại những đường hầm chính, nhiều tuyến đường xe lửa được lắp đặt để đưa tên lửa đến ống phóng. Bên cạnh đó, Trại còn có 1 bệnh viện, 1 rạp chiếu phim, 1 cửa hàng bách hóa, 1 nhà thờ, 1 thư viện, 1 trạm bưu điện và nhiều tiệm hớt tóc, tiệm giặt giũ quần áo, phòng ngủ, nhà vệ sinh, tất cả cũng đều nằm sâu dưới lớp băng tuyết, phục vụ cho gần 600 chuyên viên kỹ thuật khi Trại đi vào hoạt động. Nguồn điện của Trại được cung cấp bởi một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ và nước tan chảy từ băng khi đi qua lò phản ứng trở thành nước sinh hoạt.

Và thế là bắt đầu từ tháng 6-1959 đến tháng 10-1960, hàng trăm kỹ sư quân sự, kỹ thuật viên công trình từ căn cứ không quân Thule đổ đến vùng đất mà trong tương lai, sẽ là Trại thế kỷ. Mặc dù được Chính phủ Đan Mạch đồng ý nhưng quân đội Mỹ lại dấu kín việc xây dựng căn cứ tên lửa hạt nhân tầm trung.  Họ chỉ nói với phía Đan Mạch rằng đây là một trung tâm nghiên cứu kỹ thuật về các điều kiện sinh tồn trong băng tuyết. Trong suốt thời gian từ tháng 6-1959 đến giữa năm 1961, các máy đào, máy xúc, máy gạt làm việc liên tục 24/24 giờ. Hàng trăm chuyến bay DC-3, DC-4 và ngay cả máy bay vận tải chiến thuật C-130 Hercules liên tục hạ cánh, thả xuống xăng dầu, cấu kiện sắt thép, lò phản ứng hạt nhân, các đường ray xe lửa và đồ tiếp liệu. Việc xây dựng bí mật đến nỗi công chúng Mỹ và ngay cả phần lớn quân đội Mỹ không hề biết gì về Chiến dịch Iceworm cũng như Trại thế kỷ. Tất cả những người làm việc ở Trại đếu được lệnh khi viết thư về nhà, tuyệt đối không được nói đến công việc họ đang làm mà chỉ nói chung chung, rằng họ đang tham gia vào một dự án nghiên cứu cách sinh tồn trong điều kiện băng giá. Mãi đến năm 2017, trung sĩ kỹ thuật viên xây dựng Evan Fileds mới dám tiết lộ: “Tất cả thư từ của chúng tôi gửi về nhà đều bị kiểm duyệt nên ngoài những câu thăm hỏi, chẳng ai dám hé môi về những điều mắt thấy tai nghe”.

Cuối năm 1960, Trại thế kỷ chính thức hoạt động.  Với hệ thống radar tân tiến nhất thời bấy giờ có chức năng cảnh báo sớm, các chuyên gia tên lửa ở Trại ngày đêm dán mắt vào màn hình để có thể kịp thời thông báo về Bộ Quốc phòng Mỹ nếu Liên Xô bất ngờ đánh phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân. Cứ 3 tháng 1 lần, tất cả các tên lửa đặt trong các ống phóng lại được luân chuyển nhằm bảo đảm rằng sẽ không có một sự cố nào xảy ra trong trường hợp phải bấm nút phóng.

Một chuyên gia đạn đạo đứng cạnh một ống phòng tên lửa hạt nhân tầm trung ở Trại thế kỷ.
Một chuyên gia đạn đạo đứng cạnh một ống phòng tên lửa hạt nhân tầm trung ở Trại thế kỷ.

SỰ CỐ BẤT NGỜ

Đầu năm 1964, hơn 3 năm kể từ ngày Trại thế kỷ đi vào hoạt động, các chuyên gia đạn đạo của Trại nhận thấy khá nhiều những ống phóng tên lửa bị lệch đi khỏi vị trí từ 3 đến 6cm. Nếu như ở những công trình xây dựng bình thường thì sai số này có thể sẽ không gây ra ảnh hưởng gì lớn nhưng với tên lửa, nếu lệch khỏi vị trí phóng 3cm thì nó sẽ rơi xuống cách mục tiêu từ 3 đến 4km.

Sau nhiều ngày tìm hiểu, các chuyên gia nhận thấy rằng Trại thế kỷ được xây dựng gần một con sông băng và mỗi năm, con sông băng ấy dịch chuyển khoảng từ 10 đến 15cm, dẫn đến hệ quả là lớp băng bao phủ Trại thế kỷ cũng dịch chuyển theo. Thiếu tá Jim Barrets, kỹ sư địa chất công trình nói: “Đó là hiện tượng tự nhiên. Chúng tôi không có cách nào để bắt con sông băng ngừng trôi”. Theo tính toán, cứ mỗi tháng Trại thế kỷ phải tính toán lại đường bay của tên lửa cho phù hợp với sự dịch chuyển. Đến năm 1967, tất cả 2.100 ống phòng tên lửa phải làm lại từ đầu và chu kỳ này lập lại cứ mỗi sau 3 năm tiếp theo.

Đứng trước sự cố bất ngờ này, Bộ Quốc phòng Mỹ sau nhiều lần tham vấn ý kiến của các chuyên gia, đã quyết định đóng cửa Trại thế kỷ vào năm 1966. Lò phản ứng hạt nhân và tất cả các tên lửa hạt nhân tầm trung đều được tháo gỡ, mang về Mỹ. Khi ấy, phía Mỹ tin rằng đối với công chúng cũng như với Đan Mạch, 2.100 ống phóng và 600 tên lửa hạt nhân chưa bao giờ tồn tại. Bức màn bí mật tiếp tục bao phủ Chiến dịch Iceworm và Trại thế kỷ suốt 31 năm sau.

Năm 1997, bắt đầu có sự rò rỉ một số thông tin về căn cứ tên lửa hạt nhân tầm trung ở Greenland và điều này đã khiến Chính phủ Đan Mạch mở cuộc điều tra vì năm 1960, khi tiến hành xây dựng Trại thế kỷ, phía Mỹ đã dấu nhẹm chuyện này. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Đan Mạch (DUPI) cho thấy có khoảng 160.000 lít chất thải phóng xạ đã được thải ra trong thời gian từ 1960 đến 1964 - là khoảng thời gian hoạt động của Trại thế kỷ nên chẳng khó để nhận ra là lò phản ứng hạt nhân ấy làm nhiệm vụ cung cấp điện năng cho các ống phóng tên lửa. Và mặc dù lò phản ứng hạt nhân ở Trại thế kỷ đã được gỡ bỏ khi Trại đóng cửa nhưng lượng chất thải ấy vẫn nằm dưới mặt băng. William Colgan, nhà khoa học khí hậu Đan Mạch cảnh báo: “Người Mỹ nghĩ rằng nó sẽ mãi mãi nằm im ở dưới đó nhưng từ những năm 1980 đến nay, hiện tượng nóng lên toàn cầu mỗi năm mỗi gia tăng. Theo tính toán của chúng tôi, năm 2090 lớp băng ở Trại thế kỷ sẽ tan chảy hoàn toàn và nước biển nhiễm phóng xạ là điều khó tránh khỏi”.

Tháng 12-2018, những bí mật của Trại thế kỷ tiếp tục được tiết lộ, nhưng lần này là do các phương tiện truyền thông. Tờ Guardian cho bết ngoài chất thải phóng xạ, còn có hơn 200.000 lít dầu diesel và hàng tấn Polychlorinated Biphenyls (PCBs - là chất gây ung thư có trong sơn chống rỉ sét) cũng bị bỏ mặc dưới băng tuyết. Sử gia Đan Mạch là ông Kristian Nielsen nói: “Người Mỹ sử dụng Greenland cho mục đích riêng của họ và bây giờ chúng tôi phải đối phó”.

Hiện tại, vẫn chưa có một thỏa thuận nào giữa Đan Mạch và Mỹ về việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc xử lý những tồn tại ở Trại thế kỷ. Theo tính toán, nếu muốn xử lý triệt để những tàn dư độc hại của Trại thế kỷ, phải mất đến 10 năm với số tiền không dưới 3 tỉ USD…

VŨ CAO

.
.
.