Hệ thống giám sát bằng trí tuệ nhân tạo tại nhà tù Diêm Thành
Công nghệ cảm biến và nhận dạng khuôn mặt tại nhà tù Diêm Thành (Trung Quốc) khiến việc vượt ngục “sẽ trở thành dĩ vãng”.
Cổng vào nhà tù Diêm Thành ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. |
Nhà tù Diêm Thành, cơ sở giam giữ rộng 40ha ở tỉnh Hà Bắc, được điều hành trực tiếp bởi Bộ Tư pháp Trung Quốc, đang thực hiện một cải tiến nhỏ nhưng quan trọng hướng tới mục tiêu tự động hóa thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát phạm nhân.
Mạng lưới camera dày đặc có thể theo dõi mọi việc làm của tù nhân và đưa ra cảnh báo trước bất kỳ hành động nào bị coi là bất thường hay đáng lo ngại. Giới chuyên gia thậm chí tin rằng hệ thống trên sẽ giúp ngăn chặn hoàn toàn khả năng vượt ngục bởi ngay cả khi phạm nhân có thể hối lộ quản giáo, họ cũng không thể ngăn hệ thống phát báo động.
Diêm Thành được mệnh danh là “nhà tù sang trọng dành cho VIP (người quan trọng)” bởi điều kiện tương đối thoải mái và các tù nhân tại đây đa phần từng là các quan chức, người có địa vị trong xã hội. Nhà tù có hơn 1.600 phạm nhân, con số phạm nhân không ngừng gia tăng những năm gần đây bắt nguồn từ chiến dịch chống tham nhũng quy mô do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động. Nhà tù cũng là nơi giam giữ nhiều phạm nhân ngoại quốc và từng được xếp vào hàng trung tâm cải huấn tiêu biểu, nơi các nhà ngoại giao nước ngoài được phép tới kiểm tra cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ban quản lý nhà tù đã phải chịu không ít áp lực từ các cấp trên yêu cầu họ phải tự cải thiện hoạt động. Hồi tháng 12 năm ngoái, một nhóm thanh tra kỷ luật đảng đã cảnh báo nhà tù Diêm Thành đang không thực sự hiểu rõ “bản chất chính trị của mình trong kỷ nguyên mới”, đồng thời phản ánh về việc nhân viên nhà tù “thường xuyên vi phạm quy tắc”.
Từ đó, nhà tù bắt đầu lắp đặt một hệ thống trí tuệ nhân tạo giúp tự động giám sát tù nhân. Sau nhiều tháng xây dựng, việc nâng cấp hệ thống giám sát tại nhà tù Diêm Thành đã gần hoàn thành. Hệ thống “nhà tù thông minh” mới bổ sung một mạng lưới camera theo dõi và những cảm biến bí mật có vai trò như các “nơ ron thần kinh”. Nó thu thập và truyền dữ liệu về “não bộ” là một máy tính AI mạnh mẽ, xử lý nhanh có khả năng nhận dạng và theo sát tất cả tù nhân 24/7. Cuối ngày, hệ thống sẽ trích xuất một báo cáo toàn diện, trong đó có cả bản phân tích hành vi, của từng phạm nhân, sử dụng các chức năng AI khác nhau, như nhận diện khuôn mặt hay phân tích hành động. Thông thường, báo cáo sẽ tự động được lưu trữ nhưng nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, máy sẽ phát cảnh báo.
Hệ thống AI tại nhà tù Diêm Thành được phát triển bởi nhiều viện nghiên cứu, bao gồm viện đến từ Trường ĐH Thiên Tân và Tiandy, một trong những đơn vị công nghệ giám sát lớn nhất thế giới, trụ sở tại Thiên Tân. Hệ thống AI biết một phạm nhân cụ thể đang ở đâu và làm gì, dù nhà tù lớn đến đâu. Thậm chí, nhân viên an ninh còn không cần phải nhìn vào màn hình máy tính để theo dõi. Bước đột phá này có được là nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt tiên tiến với khả năng xử lý một lượng lớn mục tiêu giám sát trong cùng thời điểm. Công nghệ đột phá cho phép mỗi camera theo dõi tới 200 khuôn mặt cùng lúc. Vì thế, các tù nhân có thể hòa vào đám đông ở hành lang, canteen, sân tập thể dục hay thậm chí cả một cuộc ẩu đả nhưng không thể biến mất hoàn toàn. Ngay cả khi phạm nhân hối lộ được cán bộ nhà tù để bỏ trốn, hệ thống AI vẫn sẽ phát hiện ra và báo động.
Tiandy đang thảo luận với một số nước Nam Mỹ để giới thiệu công nghệ AI giám sát cho những nhà tù có lịch sử bạo lực và vượt ngục nhưng việc tiếp cận thị trường Mỹ đang gặp khó khăn bởi lệnh cấm mà Chính phủ Mỹ ban hành đối với các sản phẩm công nghệ Trung Quốc.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất có ý tưởng dùng AI để quản lý trại giam. Tại Anh, nhà tù Altcourse gần Liverpool đã cài đặt AI vào năm 2016 nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu vào nhà tù.
Chính phủ Singapore đã tiến hành hàng loạt cuộc thử nghiệm nhằm xem xét liệu công nghệ có thể giúp các bảo vệ nhà tù làm việc hiệu quả hơn thậm chí bàn đến khả năng thiết lập một nhà tù không có nhân viên an ninh.
VŨ HOÀNG