Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) đã bị cả Mỹ và Nga tuyên bố đình chỉ. Mặc dù một hiệp ước mới tương tự có cả Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… khó có thể xảy ra trong tương lai gần, nhưng thế giới thực sự rất cần một INF phiên bản mới, nhằm kiểm soát vũ khí tên lửa, hạt nhân bảo đảm sự cân bằng chiến lược và an ninh toàn cầu.
Hiệp ước INF phiên bản mở rộng thực sự cần thiết nhằm kiểm soát vũ khí tên lửa, hạt nhân bảo đảm sự cân bằng chiến lược và an ninh toàn cầu. (Ảnh minh họa) |
Ngày 2-2-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đình chỉ các nghĩa vụ của Mỹ theo INF và chính thức tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước trong 6 tháng. Ngay sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga cũng sẽ chính thức đình chỉ các nghĩa vụ theo Hiệp ước vào ngày 4-3. Việc đình chỉ các nghĩa vụ theo INF sẽ gây ra những hệ lụy khó lường… Hiệp ước INF được ký năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ vĩnh viễn tất cả các tên lửa đạn đạo và hạt nhân thông thường phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500 km. Hiệp ước INF cấm triển khai các loại tên lửa hạt nhân tầm trung tại châu Âu nhằm duy trì thế cân bằng quân sự giữa Nga và Mỹ.
KHÓ CỨU VÃN TRONG TƯƠNG LAI GẦN
Theo các chuyên gia, cả Nga và Mỹ đều không muốn bị trói buộc bởi các điều khoản trong INF, lý do là vì Trung Quốc - quốc gia hưởng lợi từ INF. Trung Quốc có thể chế tạo bất kỳ loại tên lửa nào vì không bị Hiệp ước này ràng buộc. Một số nhà quan sát cho rằng, việc tố cáo Nga vi phạm Hiệp ước chỉ là cái cớ. Nga cũng có thể muốn hủy bỏ INF và Mỹ đã lấy đây làm lý do để rút khỏi Hiệp ước. Mặc dù cả Mỹ và Nga đã tuyên bố đình chỉ INF, nhưng cả 2 đều mong muốn có một Hiệp ước mới đa phương với sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ... Sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút nước này khỏi INF, ông để ngỏ khả năng ký kết một văn kiện mới nếu có sự tham gia của Trung Quốc. Tổng thống Nga công bố ý tưởng mời các nước khác tham gia Hiệp ước INF để cứu vãn thỏa thuận ngay từ cuối năm 2018. Tuy nhiên, Trung Quốc tỏ ý không muốn tham gia một hiệp ước INF đa phương, bởi hiện nay Trung Quốc đang bị thất thế so với Mỹ và Nga trên lĩnh vực tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cả phiên bản triển khai trên đất liền và từ tàu ngầm. Bên cạnh đó, các lực lượng vũ trang thông thường của Trung Quốc vẫn còn khoảng cách lớn so với Mỹ và Nga. Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung được xem như phương tiện chiến lược giúp Trung Quốc cân bằng sức mạnh quân sự. Nếu gia nhập INF mới, Trung Quốc sẽ gần như chẳng còn phương tiện nào đủ sức duy trì ưu thế quân sự của mình trước các đối thủ trong khu vực. Căn cứ theo điều khoản của INF thì 95% kho tên lửa đạn đạo của Trung Quốc sẽ bị phá hủy. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh, nhất là khi nước này đang xây dựng chính sách khuếch trương sức mạnh ra bên ngoài lãnh thổ, đồng thời thực thi chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập A2/AD. Khi Trung Quốc không chịu ký kết thì khả năng Mỹ và Nga đồng ý duy trì INF là rất khó trong tương lai gần.
THẾ GIỚI CẦN MỘT HIỆP ƯỚC TƯƠNG TỰ
Theo giới nghiên cứu, INF phiên bản mới rất cần có sự đồng thuận của Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là nhu cầu bức thiết, bởi nếu không có hiệp ước ràng buộc nào, hệ thống vũ khí toàn cầu không được kiểm soát, việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên thế giới không được ngăn chặn, có thể sẽ gây hệ lụy khôn lường cho cả nhân loại. Và trên thực tế, cuộc chạy đua vũ trang mới đang có dấu hiệu khởi động.
Trong lúc chờ đợi một hiệp ước mới, Mỹ - Nga cần có các chiến lược tương hỗ với nhau. Dù không còn nghĩa vụ về INF nhưng 2 nước vẫn cần kiềm chế, bởi chính lợi ích của cả đôi bên, đồng thời tổ chức các cuộc tham vấn về nguyên tắc ổn định chiến lược trong tương lai hoặc có thể thảo luận với tất cả 9 quốc gia sở hữu hạt nhân. 2 nước cũng cần chuẩn bị cho hội nghị tiếp theo xem xét hiệu lực của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), sẽ diễn ra vào năm 2020. Việc rút khỏi INF hay đặc biệt là không gia hạn START-3 sẽ gây ra những rủi ro lớn đối với chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và Hội nghị rà soát lần tới hoàn toàn có thể sẽ là hội nghị cuối cùng. Điều đó không đem lại lợi ích gì cho cả Moscow và Washington. Về phía Trung Quốc, theo giới chuyên gia, nước này nên ủng hộ và tham gia một thỏa thuận kiểm soát vũ khí đa phương thay thế cho INF. Lý do là vì việc Bắc Kinh tự do phát triển các loại vũ khí mà không bị ràng buộc bởi hiệp ước có thể làm cho sự cân bằng vũ khí chiến lược có nguy cơ bị phá vỡ. Mặt khác, là thành viên thường trực của HĐBA LHQ, Trung Quốc cần có trách nhiệm hơn trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Các nước châu Âu và Nga cần có các cuộc đàm phán về phân loại vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường; xây dựng một thỏa thuận về kiểm soát vũ khí; thực hiện các biện pháp khôi phục lòng tin và thể hiện lập trường rõ ràng đối với Mỹ về việc kiểm nghiệm hệ thống tên lửa hành trình SSC-8 (hay 9M729) của Nga mà Mỹ cáo buộc vi phạm INF. Đồng thời, xem xét các biện pháp xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu mới, cho phép châu Âu đóng nhiều vai trò hơn trong kiềm chế cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
LHQ cần phát huy vai trò xử lý thách thức bằng những phương tiện ngoại giao, cơ chế cảnh báo và phòng ngừa, yêu cầu các quốc gia tuân thủ các nguyên tắc hoạt động đã đề ra. Mặc dù INF là hiệp ước song phương, nhưng INF bị phá hủy sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh và hòa bình thế giới.
THƯ KỲ (TH)