Shamima Begum. |
Shamima Begum, người phụ nữ rời bỏ nhà ở thủ đô London nước Anh để gia nhập tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria lúc 15 tuổi, đã bị chính quyền Anh tước quyền quốc tịch hôm 19-2-2019.
Tuy nhiên, vụ việc này đang tiếp tục gây tranh cãi với một số ý kiến nói Chính phủ Anh không thể tước quốc tịch của cô ta, người này đã 19 tuổi và sống trong trại tị nạn Syria với đứa con mới sinh.
Sajid Javid, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh phát biểu với báo chí trong nước: “Thông điệp của tôi rất rõ ràng. Nếu ai đã từng ủng hộ một tổ chức khủng bố ở nước ngoài, tôi sẽ không ngần ngại ngăn cấm người đó trở lại Anh”. Tuy nhiên, quyết định cứng rắn của Javid vấp phải sự phản đối từ phía gia đình Shamima và họ đang chuẩn bị kháng cáo với quyết định Bộ Nội vụ. Trong bức thư gửi Javid, Renu - chị gái của Shamima - nói gia đình không thể bỏ rơi Shamima và cho rằng trường hợp này cần được quyết định bởi toà án.
Theo luật pháp, công dân Anh chỉ có thể bị tước quyền công dân nếu họ đủ điều kiện nhập quốc tịch ở một quốc gia khác. Luật pháp quốc tế cũng ngăn cấm tình trạng biến công dân thành người vô Tổ quốc. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh khẳng định họ có thể tước quyền công dân của Shamima vì cô có thể xin nhập quốc tịch Bangladesh thông qua người mẹ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Bangladesh cho biết, Shamima không phải là công dân nước này và tất nhiên là cô gái không được phép nhập cảnh vào đây.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Bangladesh cũng khẳng định Shamima chưa bao giờ nộp đơn xin quốc tịch kép với Bangladesh và cũng chưa bao giờ đặt chân đến đây. Về phần mình, lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn chỉ trích quyết định của Sajid Javid là “cực đoan”. Corbyn lập luận: “Theo quan điểm của tôi, cô ấy có quyền quay lại Anh. Tất nhiên, khi quay trở lại, cô ấy sẽ phải bị chất vấn về những gì mình đã làm”.
Đồng tình với quan điểm này, cựu Thẩm phán Liên hợp quốc Geoffrey Robertson, bình luận: “Thẩm phán - chứ không phải chính trị gia – mới là người có quyền quyết định hình phạt cho Shamima”.
Shamima, hiện đã 19 tuổi, là một trong số 3 phụ nữ trẻ đã rời nước Anh để gia nhập IS năm 2015. Sau khi đến TP. Raqqa của Syria được 10 ngày, Shamima kết hôn với Yago Riedijk, một chiến binh IS gốc Hà Lan. Theo tuyên truyền của IS khi đó, các cô gái Hồi giáo tình nguyện gia nhập đội quân nữ của chúng hoặc để sinh đẻ ra các chiến binh cho Vương quốc Hồi giáo thống trị toàn thế giới, hoặc trực tiếp chiến đấu. Việc làm đám cưới tập thể là do IS tổ chức cho các tay súng nam.
Câu chuyện này làm nảy sinh khái niệm “cô dâu IS” (“IS bride” trong tiếng Anh) – tức những phụ nữ tình nguyện hiến thân cho các tay súng IS. Hiện nay Yago Riedijk - người Hà Lan cải đạo theo Hồi giáo - được cho là đã đầu hàng quân Chính phủ Syria. Còn Shamima kẹt lại trong một trại tị nạn ở Syria và vừa sinh con trai vào đầu năm 2019. Hai đứa con đầu của Shamima đã chết yểu do bệnh tật. Nhờ một loạt cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình, Shamima Begum trở nên “nổi tiếng” trở lại sau 3 năm.
Người phụ nữ này đã kể với các nhà báo Anh tới trại tị nạn về tình cảnh của mình. Shamima Begum tuyên bố cô chưa bao giờ muốn trở thành “biểu tượng” của IS và bày tỏ mong muốn được quay trở lại Anh để nuôi con trong yên bình. Trong thư gửi Javid, chị gái Shamima cũng yêu cầu hỗ trợ đứa cháu trai mới sinh của cô đến Anh. Về vấn đề này, Javid tuyên bố đứa trẻ vẫn có thể là người Anh dù đã tước quyền công dân của mẹ cháu là Shamima.
Tasnime Akunjee, luật sư đại diện cho gia đình Shamima dự định sẽ đến trại tị nạn ở Syrian để xin phép Shamima đưa con trai cô về Anh trong thời gian chờ giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, Shamima nói con trai của cô không được khoẻ và sẽ không để đứa con đến Anh một mình. Shamima cũng nói thêm rằng, cô “sẵn sàng thay đổi” và mong nhận được “sự độ lượng” của các chính khách Anh. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn khác với truyền thông Anh, Shamima Begum đã gây phẫn nộ trong một phần dư luận khi kể lại cảnh “thấy các đầu lâu của kẻ thù đối với đạo Hồi trong túi rác” và coi đó chuyện bình thường.
Hiện nay một trại tỵ nạn do du kích người Kurd kiểm soát ở Syria có hàng chục ngàn người sống lay lắt, đói khát. Trong số này, ngoài nạn nhân chiến sự bình thường có nhóm “cựu thành viên IS” bị nhốt riêng sau một khu có hàng rào.
Tại đó, phóng viên John Sparks của Hãng tin Sky News nhìn thấy hàng trăm đứa trẻ sinh ra trong vùng do IS từng kiểm soát là con của công dân các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ đi theo IS. Có những đứa trẻ người Pháp bị cha mẹ đem sang khi họ đầu quân theo IS nhưng nay mồ côi sống vất vưởng. Có cả một số phụ nữ đã bệnh tật, kể cả bị bệnh tâm thần, không biết số phận sẽ đi đâu về đâu. Bản thân Shamima Begum nói với John Sparks rằng cô ta nay không có đủ thức ăn nuôi con và đã mất hết giấy tờ.
Với một phần dư luận Anh và châu Âu, người ta muốn những kẻ chạy theo IS bị trừng phạt nặng nhất vì họ tự nguyện ủng hộ một tổ chức khủng bố tàn bạo. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng cần tiếp nhận các công dân của mình trở về nước và chỉ trừng phạt những ai gây tội ác; hoặc thanh lọc, giáo dục để họ hoàn lương.
DIÊN SAN