Nước Mỹ và chuyện súng đạn

Thứ Sáu, 15/03/2019, 07:54 [GMT+7]
In bài này
.

Trong ánh sáng lờ mờ hắt qua những tàn cây từ cột đèn ngoài đường, tôi thấy một bóng đen loay hoay - hình như nó đang mở khóa cửa chính. Chĩa thẳng khẩu Glock vào nó, tôi quát lên: “Đứng yên không tao bắn”. Bóng đen quay lại: “Ba, con đây mà”. Tim tôi muốn rớt ra ngoài khi kẻ mà tôi định bắn lại là đứa con gái út.

Cửa hàng bán súng Lock N Load.
Cửa hàng bán súng Lock N Load.

1. Sống trên đất Mỹ đã 40 năm, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mua súng mặc dù tôi đủ điều kiện để sở hữu hợp pháp cái công cụ giết người này. Một phần vì tôi chỉ là công nhân của một công ty chuyên lắp ráp xe hơi, chẳng gây thù chuốc oán với ai. Mặt khác, mấy năm trước ông Boremann bạn tôi để khẩu súng ổ quay Smith Wesson trong tủ nhưng không khóa. Một bữa thằng con trai 12 tuổi của ông tò mò lấy ra và chẳng hiểu thế nào mà nó chĩa ngay vào giữa hai đùi rồi bóp cò. Bùm một phát, cái bộ phận vốn dĩ để duy trì nòi giống thì bây giờ chỉ còn mỗi chức năng… đi tiểu!

Thế nhưng, sau những vụ bạo động kinh hoàng ở Ferguson rồi tiếp theo là ở New York và nhất là mới đây, vụ xả súng ngày 16-2-2019  xảy ra tại thành phố Aurora, bang Illinois khiến 5 người thiệt mạng và 5 cảnh sát bị thương thì đến tối, lúc xem xong bản tin trên tivi, vợ tôi ngập ngừng: “Có lẽ mình nên mua súng để phòng thân. Em thấy nhà Windy tháng trước mới mua 2 khẩu”.

Windy là hàng xóm với gia đình tôi. Hôm sau thấy ông đang chạy máy cắt cỏ, tôi đến sát hàng rào: “Win à, ông có rành về súng không?”. Khẽ gật đầu, ông  đáp: “Tôi chỉ biết một vài loại thôi. Mà ông hỏi làm gì vậy?”. Tôi nói: “À thì tôi cũng định mua một khẩu”. Như gãi đúng chỗ ngứa, ông Windy hồ hởi: “Vậy chủ nhật ông đi với tôi, tôi quen chủ tiệm bán súng ở phố Abraham, thứ gì cũng có”.

10 giờ sáng, tiếng còi xe hơi của ông Windy bóp “tin, tin” ngoài cổng. Chạy đến phố Abraham, ông dừng lại trước một tiệm bán súng có tên Lock N Load. Vừa đẩy cửa bước vào, tôi hoa mắt khi nhìn thấy một rừng súng: Từ những khẩu súng cổ như Winchester, Remington, Springfield, Musketon, Mosin Nagant… đến những loại súng trường hiện đại như AK 47, AR15, M16, XM18 và hàng chục loại súng ngắn: Colt, Browning, Glock, Magnum, Smith Wesson… Windy hỏi: “Ông định mua loại nào, súng ngắn hay súng dài?”. Tôi chưa kịp trả lời thì tay chủ tiệm đã lôi từ dưới quầy lên một khẩu dài cỡ 2 gang tay: “Ông lấy thứ này đi. Tiểu liên UZI của Israel một phút bắn 600 viên”. Tôi lắc đầu: “Không, tôi chỉ muốn mua khẩu nào be bé để phòng thân thôi”. 

Ngay lập tức, 6 khẩu - vừa Smith Wesson, vừa Colt vừa Glock được đặt lên mặt bàn. Chỉ vào khẩu Smith Wesson P38, Windy nói: “Ông nên mua nó. Nó hơi bất tiện trong việc nạp đạn vì phải nạp từng viên nhưng không cần phải lên nòng như súng Colt. Chỉ cần kéo kim hỏa là bóp cò liền”. Nhìn khẩu P38 nhỏ nhắn, nước thép xanh xám, tôi đã thấy ưng bụng nhưng chỉ trong tích tắc, tôi nhớ đến hình ảnh tay tướng cảnh sát Sài Gòn là Nguyễn Ngọc Loan đã dùng khẩu súng loại này bắn chết một chiến sĩ cách mạng ngay trên đường phố Sài Gòn hồi Tết Mậu Thân năm 1968 nên tôi lắc đầu: “Cảm ơn ông. Cho tôi lấy khẩu Glock kia”.

Chủ tiệm giới thiệu khẩu Smith Wesson.
Chủ tiệm giới thiệu khẩu Smith Wesson.

2. Theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 80 triệu khẩu súng các loại được người dân Mỹ sở hữu, trong đó một người có 2 khẩu - thậm chí 3 khẩu là chuyện bình thường. Việc mua súng cũng rất đơn giản: Người mua phải đủ 18 tuổi, có quốc tịch Mỹ và khi mua, họ chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân cho tiệm bán súng để chủ tiệm chuyển cho Cảnh sát liên bang (FBI) thẩm tra. Tùy theo từng bang, việc thẩm tra ấy có thể hoàn tất trong vòng vài phút nhưng không bao giờ kéo dài quá 1 ngày, nhằm mục đích xem người mua súng có đang bị lệnh bắt giữ của tòa án hay không, tiền án tiền sự ra sao, các vấn đề về ma túy, thần kinh, tình trạng nhập cư... thế nào. Nếu tất cả đều không có vấn đề gì, FBI sẽ email đồng ý để chủ tiệm bán súng cho người ấy thông qua đường truyền Internet được bảo mật rất chặt chẽ. Tay chủ tiệm cho biết mua súng ở Washington D.C là khó nhất vì họ không bán súng cho người cư trú ở ngoài bang, còn dễ nhất nước Mỹ là bang Virginia. Nếu thường trú trong bang, người mua chỉ cần chìa tấm bằng lái xe ra là Ok ngay nên chả thế mà trung bình hằng năm, nước Mỹ có gần 100.000 người bị thương bởi súng, khoảng 30.000 người tử vong, trong đó lắm vụ rất kinh hoàng mà cụ thể là ngày 14-12-2012, đã xảy ra sự kiện  thảm sát bằng súng tại trường Tiểu học Sandy Hook ở thị trấn Newtown, bang Connecticut khiến 26 người thiệt mạng. Ông Windy nói: “Mua súng tại Mỹ dễ như... mua kẹo! Hiến pháp Mỹ cho phép công dân có quyền tự vệ chính đáng và do đó, họ có quyền sở hữu vũ khí hợp pháp”. Theo tổ chức Thăm dò xã hội tổng quát (GSS), gần 40% người Mỹ giữ súng trong nhà. Có 49 bang bắt buộc người mang súng phải dấu kín khi ra đường và phải tháo rời từng bộ phận khi không sử dụng nhưng cũng có bang cho phép mang công khai, 38 bang cấm mang súng vào trường trung học và 16 bang cấm mang súng vào trường đại học nhưng nhìn chung, luật cấm vẫn lỏng lẻo, không nhất quán. Năm 2000 ông Al Gore đã thất bại trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ vì quan điểm chống sở hữu vũ khí cá nhân. Khoảng 61% cử tri là những người có súng đã bỏ phiếu cho George W. Bush, giúp ông này ngồi vào ghế tổng thống!

3. Trả 225 USD cho khẩu Glock và 2 hộp đạn, tay chủ tiệm bán súng nói tôi còn phải học luật và học cách sử dụng súng trong 2 tuần rồi mới có giấy phép: “Nơi tập bắn ở phía sau, ông có thể ra đó bắn thử. Sẽ có người hướng dẫn”. Trong lúc chờ đến lượt mình tập bắn, Windy giải thích cho tôi về chuyện súng ống: “Mọi công dân Mỹ đều có quyền giữ súng, và nó được thể hiện bằng luật “Stand your Ground” - đứng yên tại chỗ, nếu không tôi sẽ bắn - nghĩa là cho phép ông được nổ súng khi bị đe dọa”. Tôi hỏi vậy là chính quyền không thể cấm sử dụng súng được hay sao? Windy gật: “Vâng! Muốn cấm thì phải sửa những quy định về sử dụng súng trong Hiến pháp vì theo Điều 5 Hiến pháp Mỹ, phải có ít nhất 2/3 số dân biểu, thượng nghị sĩ của Hạ viện và Thượng viện đồng ý, hoặc theo yêu cầu của cơ quan lập pháp ở 2/3 các bang thì Quốc hội mới được sửa đổi. Tuy nhiên, điều này gần như không bao giờ xảy ra”.

Tối hôm ấy, tôi khoe vợ tôi khẩu Glock mới cứng rồi dạy vợ cách sử dụng như tay huấn luyện viên ở cửa hàng Lock N Load đã dạy tôi. Đến đêm thứ bảy, lúc đang mơ mơ màng màng thì vợ tôi lay tôi: “Anh à, hình như có người đột nhập nhà mình”.

Tôi bật dậy, kéo cái hộc tủ ở sát đầu giường lôi ra khẩu súng. Nạp đạn, lên nòng xong, tôi rón rén mở cửa sau rồi vòng ra phía trước với sự tự tin chưa từng thấy. Trong ánh sáng lờ mờ hắt qua những tàn cây từ cột đèn ngoài đường, tôi thấy một bóng đen loay hoay - hình như nó đang mở khóa cửa chính. Chĩa thẳng khẩu Glock vào nó, tôi quát lên: “Đứng yên không tao bắn”.

Bóng đen quay lại: “Ba, con đây mà”. Tim tôi muốn rớt ra ngoài khi kẻ mà tôi định bắn lại là đứa con gái út. Nó ở ký túc xá Đại học Irving và chẳng hiểu sao nó lại mò về nhà vào gần giữa đêm như thế này: “Hồi chiều con gọi để báo ba má biết là tối nay con về nhưng gọi hoài mà chẳng ai nghe máy”. Thấy tôi cầm khẩu súng, nó hỏi tiếp: “Ủa, ba mua súng hồi nào vậy?”.

Sáng hôm sau, tôi một mình lái xe đến cửa hàng Lock N Load. Đặt khẩu Glock lên bàn, tôi nói với tay chủ tiệm: “Ông cất đi, tôi không đòi lại tiền đâu nhưng ông làm ơn viết cho tôi cái giấy rằng súng tôi mua, tôi đã trả lại ông rồi…”.

CAO QUYÊN 

;
.