Nguồn gốc và lịch sử lây lan của dịch tả heo châu Phi
Đã có 20 quốc gia ghi nhận xuất hiện dịch tả heo châu Phi (ASF), trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc. ASF là bệnh xuất huyết dễ lây lan ở heo mọi độ tuổi. Virus có độc lực cao, gây sốt cao, chán ăn, xuất huyết da và nội tạng. Tỷ lệ tử vong của heo nhiễm bệnh có thể lên tới 100%. Tuy nhiên, chưa ghi nhận ca bệnh nào lây từ heo sang người.
Tiêu hủy heo bị dịch tả châu Phi ở Ghana. |
Virus ASFV (African swine fever virus - ASFV) là chủng virus tác nhân gây ra bệnh ASF. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ASF là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, có đặc điểm lây lan nhanh trên loài heo, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại heo, tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. ASFV là một virus ADN sợi kép, lớn, sao chép trong tế bào chất của tế bào bị nhiễm. ASFV lây nhiễm sang heo nhà cũng như heo rừng từ ve Ornithodoros - có khả năng hoạt động như vật trung gian truyền bệnh. ASFV là virus duy nhất được biết đến với bộ gen ADN sợi kép được truyền bởi động vật chân đốt. Một số chủng của ASFV có thể gây chết heo nhanh trong một tuần sau khi nhiễm bệnh. ASFV là loài đặc hữu của châu Phi cận Sahara, tồn tại trong tự nhiên thông qua một chu kỳ lây nhiễm giữa ve và heo hoang.
Năm 1921, ASF lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya (châu Phi) và sau đó lây lan nhanh chóng, trở thành dịch bệnh tại nhiều nước châu Phi. Năm 1957, lần đầu tiên ASF được phát hiện và báo cáo tại châu Âu. Năm 2007, bệnh dịch tả heo châu Phi được báo cáo xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa châu Âu và châu Á tại quốc gia Gruzia, trong đó có Armenia báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và Azerbaijan vào năm 2008. Loại bệnh nguy hiểm này cũng đã được báo cáo ở các nước châu Mỹ.
Tính từ năm 2017 đến ngày 18-2-2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả heo châu Phi, trong đó nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc – nước sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Tháng 8-2018, Trung Quốc phát hiện ổ dịch đầu tiên tại tỉnh Hắc Long Giang. Đến cuối tháng 2-2019, Trung Quốc có 110 ổ dịch tại 28 tỉnh và khu vực, nhiều ổ dịch nằm tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông, ngay gần biên giới với Việt Nam. Thịt heo được sản xuất và tiêu thụ rất nhiều tại các nước châu Á, nên gần như chắc chắn virus tả heo sẽ xâm nhập vào các nước khác trong khu vực. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho biết dịch tả heo hiện không có vaccine và không thể chữa. Virus ASF có thể ẩn mình vài tháng trong thịt heo đã qua xử lý và thậm chí vài năm trời trong thịt heo đông lạnh. Các chuyên gia an toàn sinh học nhận định trong vòng một năm tới, có khả năng ASF sẽ lan tới Mỹ, đe dọa gây thiệt hại 22 tỷ USD/năm.
Đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng nên chuyển đổi từ tiêu thụ thịt heo sang các loại thịt khác, nhằm giảm nguy cơ bị nhiễm dịch tả heo châu Phi. Theo báo chí New Zealand, ASF là cơ hội để ngành xuất khẩu thịt bò của nước này phát triển. ASF hiện đang lan rộng khắp Trung Quốc và có khả năng thay đổi đáng kể hoạt động buôn bán thịt ở châu Á, ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu và xuất khẩu - theo báo cáo mới nhất của tạp chí thịt bò toàn cầu Rabobank nhận định. Việc sản xuất thịt heo Trung Quốc thấp hơn đáng kể sẽ tạo ra khoảng trống về nguồn cung, cần được lấp đầy bởi các loại thịt khác. Mặc dù Trung Quốc đã tăng 50% nhập khẩu thịt bò và tăng 1,5% sản xuất thịt bò trong nước năm 2018, nhưng giá thịt bò vẫn tăng lên...
Hiện nay, một số cơ sở chăn nuôi heo lớn tại Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao để nhận diện sớm dịch. Truyền thông địa phương cho biết, các DN công nghệ lớn như Alibaba và JD.com còn dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và giọng nói để giám sát sức khỏe của heo nuôi, phát hiện những triệu chứng bệnh và thay đổi trong hành vi của con vật. Một công ty có tên Yingzi Technology ở Trung Quốc đang tiên phong trong công nghệ nhận diện khuôn mặt heo, công ty tuyên bố có thể “cách mạng hóa” ngành công nghiệp thịt heo. Đây là một chiến lược mà ngành công nghiệp thịt heo của Australia cũng quan tâm, bởi vì công nghệ này có khả năng nhận ra heo bị bệnh từ lâu trước khi một người nông dân nhận thấy.
THƯ KỲ
(Tổng hợp)