Bí mật về mạng internet ở Triều Tiên
Rất nhiều người tò mò rằng Triều Tiên có mạng internet hay không? Bởi đây là một quốc gia được xem là còn nhiều bí ẩn. Thật sự thì mạng internet ở đây vẫn hoạt động rất sôi động theo một cách đặc biệt của người Triều Tiên.
Internet ở triều tiên chủ yếu dành cho giới thượng lưu và người nước ngoài. |
Triều Tiên chính thức phủ sóng internet tới người dân vào năm 2008, khi đó nhiều nước đã từng mong chờ một sự cởi mở hơn từ Triều Tiên, tuy nhiên mọi thứ không diễn ra như vậy. Internet của Triều Tiên có tên Kwangmyong. Đây chỉ là mạng internet nội bộ, hoàn toàn không kết nối với thế giới bên ngoài nên người dân không thể truy cập tới các trang quốc tế. Mạng Kwangmyong được cung cấp miễn phí, chủ yếu là qua hệ thống thư viện và các máy tính tại đây. Chỉ có một số ít người dân được tiếp cận mạng internet. Trang web mà người dân truy cập là đến từ các tổ chức chính quyền, chủ yếu dành cho giới thượng lưu và người nước ngoài.
Nhà cung cấp dịch vụ internet duy nhất tại đây là Star Joint Venture. Công ty này là một công ty liên doanh giữa Chính phủ Triều Tiên và Tổng Công ty Viễn thông Loxley Pacific đặt tại Thái Lan. Trước khi có nhà mạng này, Triều Tiên nhờ Đức làm trung gian cho hệ thống internet của mình. Hệ thống internet tại đây lọc toàn bộ thông tin trên mạng, thông tin trên hệ thống các website ở Triều Tiên đều được kiểm soát chặt chẽ.
Đối với khách nước ngoài đến Triều Tiên, có thể được sử dụng internet thoải mái hơn một chút, đó là mạng 3G trên di động có tên Koryonlink. Đây là một liên doanh giữa Công ty Ai Cập Orascom Telecom và Tập đoàn Bưu chính và Truyền thông Triều Tiên (KPTC), là nhà mạng di động có 3G duy nhất ở Triều Tiên. Công ty Ai Cập này sở hữu 75% Koryolink, được biết đến là một công ty chuyên đầu tư hạ tầng viễn thông tại các nước đang phát triển. Sóng di động có mặt tại Bình Nhưỡng, cùng với 5 thành phố, 8 đại lộ và các tuyến đường sắt. Nhưng mạng 3G không được phủ sóng ở mọi nơi, mà chủ yếu là các thành phố lớn như thủ đô Bình Nhưỡng.
Orascom Telecom được cấp phép cung cấp hệ thống mạng di động 3G ở Triều Tiên vào tháng 1-2008. Koryolink bước đầu xây dựng hệ thống 3G phủ sóng tại Bình Nhưỡng - vùng có dân số hơn 2 triệu người, với hy vọng sau này sẽ phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên.
Bắt đầu hoạt động vào tháng 12-2008, mạng đã có hơn 5.300 thuê bao. Báo cáo của Orascom cho thấy số thuê bao là 432.000 sau 2 năm hoạt động, tăng lên 809.000 vào tháng 9-2011, và đạt ngưỡng 1 triệu vào tháng 2-2012, đến năm 2015 có khoảng 3 triệu thuê bao di động tại nước này.
Ở Triều Tiên, mạng xã hội được xem là mô phỏng Facebook. Mạng xã hội này có gần như đầy đủ tính năng của Facebook, cho phép người dùng đăng ký bằng email, gửi tin nhắn trên tường nhà người khác. Các bài giảng tại Đại học Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) danh tiếng cũng được “livestream” tới những nhà máy và xã nông thôn ở vùng sâu vùng xa. Người dân có thể sử dụng từ điển trực tuyến và gửi tin nhắn cho nhau qua điện thoại thông minh.
Vào năm 2015, Triều Tiên đã mở trang mua sắm trực tuyến đầu tiên có tên là OKryu. Hiện nay những người khá giả ở Triều Tiên sử dụng các thẻ Jonsong hoặc Narae để mua sắm qua mạng hay thực hiện dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Các máy tính tiền tại các cửa hàng bách hóa lớn đều được gắn vào website.
Từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un chú trọng nhiều đến vấn đề tri thức. Khu phức hợp Sci-Tech là một trung tâm truyền bá thông đến khoa học ra toàn quốc. Đây là một dự án mang dấu ấn ông Kim Jong-un. Tại đây đặt trụ sở của thư viện điện tử lớn nhất Triều Tiên. Thư viện này có hơn 3.000 thiết bị đầu cuối mà tại đó các công nhân có thể tham dự học từ xa, trẻ em xem phim hoạt hình còn sinh viên thì tiến hành nghiên cứu. Khi sinh viên cần tìm tài liệu trên mạng, các cán bộ của trường đại học sẽ tìm cho.
Một thập kỷ trước, chỉ có một lượng nhỏ quan chức được chỉ định mới có quyền sử dụng điện thoại thông minh. Nhưng hiện nay có khoảng 3 triệu thuê bao di động tại nước này (dân số nước này hiện trên 25 triệu người). Mức độ phổ biến của điện thoại di động smartphone được coi là một trong những thành công lớn trong thời đại của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, các điện thoại di động ở Triều Tiên không có quyền truy cập internet quốc tế hoặc thực hiện cuộc gọi ra nước ngoài. Điện thoại ở đây chỉ cho phép người Triều Tiên gọi và gửi tin nhắn cho nhau, chơi game, lướt mạng intrernet nội địa và tiếp cận một số dịch vụ nhất định.
Việc mua điện thoại khá đơn giản nhưng các điện thoại này phải được đăng ký và phê duyệt của cảnh sát. Một chiếc smartphone loại tốt mang nhãn hiệu Bình Nhưỡng hay Arirang có giá từ 200-400 USD. Có nhiều điện thoại thông thường, với mức giá thấp hơn. Người nước ngoài ở Triều Tiên phải sử dụng một mạng điện thoại khác biệt và không thể thực hiện hoặc nhận cuộc gọi từ các số ở nước này. Khách có thể mua điện thoại Triều Tiên nhưng các thiết bị này sẽ bị tước bỏ các ứng dụng hay tính năng thường có và được mã hóa chắc chắn để sau này họ không thể cài thêm ứng dụng nào nữa.
NGUYỄN CẢNH