Làn sóng phát minh sáng chế đang "chuyển sang phương Đông"

Thứ Tư, 20/03/2019, 15:53 [GMT+7]
In bài này
.

Liên hợp quốc ngày 20-3 công bố một báo cáo về sở hữu trí tuệ cho thấy, hơn một nửa số đơn đăng ký bằng sáng chế quốc tế trong năm 2018 là từ châu Á, một dấu hiệu mới nhất cho thấy hoạt động phát minh sáng chế đang chuyển “từ phương Tây sang phương Đông”.

Huawei dẫn đầu về số đơn xin cấp bằng sáng chế.
Huawei dẫn đầu về số đơn xin cấp bằng sáng chế.

Báo cáo trên do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố, theo đó Mỹ vẫn đi đầu về số bằng phát minh sáng chế trong năm 2018, nếu tính theo quốc gia riêng lẻ. Tuy nhiên, nếu tính theo khu vực thì châu Á đang tiếp tục nổi lên.

Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry cho biết, châu Á hiện chiếm đa số đơn đăng ký bằng sáng chế quốc tế tại WIPO, đây là một “hòn đá tảng” cho khu vực năng động về kinh tế này. Theo ông, điều này nhấn mạnh sự chuyển hướng địa lý mang tính lịch sử của hoạt động phát minh sáng chế từ phương Tây sang phương Đông.

Hệ thống đăng ký bằng sáng chế quốc tế của WIPO gồm nhiều loại khác nhau. Trong thể loại chính - Hiệp ước hợp tác sáng chế - Mỹ dẫn đầu với 56.142 đơn đăng ký, sau đó là Trung Quốc với 53.345 đơn và Nhật Bản với 49.702 đơn. Đức và Hàn Quốc đứng thứ 4 và 5 nhưng kém xa về số đơn (20.000 đơn mỗi nước). Ấn Độ có số đơn đăng ký tăng mạnh nhất trong năm ngoái, tăng 27%, từ 1.583 đơn năm 2017 lên 2.013 đơn.

Theo báo cáo thường niên của WIPO, “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) dẫn đầu về số đơn xin cấp bằng sáng chế, góp phần giúp châu Á chiếm hơn một nửa số đơn mà tổ chức này nhận được vào năm ngoái.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng giám đốc WIPO, Francis Gurry, cho biết số đơn của các công ty, tập đoàn và doanh nghiệp tại châu Á đã nộp chiếm 50,5% tổng số đơn mà tổ chức này nhận được. Theo ông, đây là kết quả đặc biệt có ý nghĩa. Xếp thứ 2 sau Huawei là Mitsubishi Electric, với 2.812 đơn. Tiếp đến là Intel, với 2.499 đơn.

Châu Á có 6 trong số 8 công ty và doanh nghiệp dẫn đầu toàn cầu, với ZTE Corp và BOE Technology Group (đều của Trung Quốc), Samsung Electronics và LG Electronics (của Hàn Quốc) ở trong số này.

AFP

 
;
.