Điều gì khiến Cao nguyên Golan trở thành tâm điểm tranh chấp giữa Israel và Syria?

Thứ Tư, 27/03/2019, 16:56 [GMT+7]
In bài này
.

Cao nguyên Golan trở thành tâm điểm trong tranh chấp lãnh thổ giữa Israel và Syria suốt nửa thế kỷ qua bởi khu vực này không chỉ vô giá về mặt địa lý mà còn sở hữu lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ.

Một thác nước lớn ở Cao nguyên Golan.
Một thác nước lớn ở Cao nguyên Golan.

Bất chấp việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng các nước phản đối sự chiếm đóng của Israel đối với Cao nguyên Golan từ năm 1967, Tel Aviv nửa thế kỷ qua chưa từng có ý định trả lại vùng đất này cho Syria.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu như ở Trung Đông, thành phố tranh chấp Jerusalem được coi là vùng đất thiêng liêng nhất về lịch sử đối với cả đạo Hồi, đạo Thiên chúa và người Do Thái, thì Cao nguyên Golan lại được xem là khu vực chiến lược nhất cả về quân sự lẫn tài nguyên thiên nhiên.

Mặc dù có diện tích nhỏ, nhưng Cao nguyên Golan có vị trí chiến lược quan trọng: Chỉ cách thủ đô Damascus của Syria chưa đến 60km, lại có tầm nhìn phủ trọn phía Nam Lebanon, phía Bắc Israel và phần lớn phía Nam Syria.

Khi Syria kiểm soát vùng đất này, họ đã triển khai tới đây các các hệ thống pháo, vốn từng xới tung miền Bắc Israel. Ngược lại, khi Israel kiểm soát Cao nguyên Golan, họ giành thế chủ động hoàn toàn trong trường hợp có xung đột với các quốc gia Arab láng giềng.

Thêm vào đó, điều khiến Cao nguyên Golan trở nên cực quan trọng với Israel là bởi nguồn tài nguyên nước và đất đai màu mỡ tại vùng đất này. Dải đất này có độ cao trên dưới 2.000m chính là vựa dầu thô lớn, ước có hàng tỷ thùng dầu mỏ và khí đốt.

Tuy nhiên, đối với Israel, nguồn tài nguyên quan trọng nhất ở Cao nguyên Golan lại chính là nguồn nước ngọt sạch. Cao nguyên Golan là lưu vực thoát nước của sông Jordan, hồ Tiberias, sông Yarmuk và có các tầng ngậm nước ngầm với trên dưới 200 mạch cỡ lớn.

Việc chiếm được Cao nguyên Golan cũng cho phép Israel kiểm soát toàn bộ đường biên quanh hồ nước ngọt lớn nhất Trung Đông - hồ Galille.

Theo các báo cáo của Israel, quốc gia trong top 20 quốc gia thiếu nước trầm trọng, đang khai thác tới 1/3 lượng nước sinh hoạt cho 9 triệu dân và nhiều triệu mét khối nước tưới tiêu cho nền nông nghiệp trị giá hàng chục tỷ USD từ Cao nguyên Golan.

Sau khi chiếm đóng Cao nguyên Golan, năm 1968, Israel đã lập tức thông qua một loạt điều luật, khởi đầu là Luật Thiết quân luật số 120 chỉ cho phép Israel là bên duy nhất được tiếp cận các nguồn nước tại Golan.

Từ năm 1984, Israel đã xây dựng 8 giếng khoan nước sâu để lấy nước từ lãnh thổ Syria. Từ đó đến nay, Israel đã khai thác hàng tỷ mét khối nước, phục vụ chủ yếu cho các khu định cư Do Thái mà hệ thống nước từ Israel không thể tiếp cận được cũng như đóng góp cho nền công nghiệp hiện đại của Israel.

Giới quan sát cho rằng những quan ngại của Israel về an ninh nguồn nước chính là động cơ thúc đẩy nước này đề nghị Mỹ công nhận Israel có chủ quyền đối với Cao nguyên Golan.

THIỆN MINH

;
.