Nghị viện Anh hôm 12-3 đã bỏ phiếu bác bỏ lần 2 kế hoạch nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu của Thủ tướng Theresa May. Ngày 13-3, cơ quan này lại bỏ phiếu phản đối việc rời EU trong bất cứ trường hợp nào nếu không có thỏa thuận. Một kịch bản khả thi cho Brexit giờ đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.
Thủ tướng Anh Theresa May tại Nghị viện trong cuộc tranh luận về Brexit, ngày 13-3. |
3 CUỘC BỎ PHIẾU LIÊN TIẾP
Ngày 12-3, Nghị viện Anh bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận về các điều kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cản trở duy nhất vẫn là xung quanh điều khoản được gọi là backstop vừa được Thủ tướng Theresa May cố gắng thuyết phục Bruxelles điều chỉnh lại trước khi đưa qua Quốc hội bỏ phiếu lần thứ 2 không thành. Được soạn thảo nhằm giúp Anh chia tay nhẹ nhàng với EU và được đích thân bà May vất vả đàm phán với Bruxelles nhiều tháng trời, thỏa thuận Brexit đã bị Nghị viện Anh bác bỏ lần đầu hôm 15-1.
Backstop là điều khoản liên quan đến đường biên giới hữu hình kiểm soát lưu thông và chuẩn mực hàng hóa giữa Cộng hòa Ireland, thành viên EU, và Bắc Ireland vùng lãnh thổ của Anh. Theo thỏa thuận thì trong thời gian chuyển tiếp trước khi rời hẳn khỏi EU sau năm 2020, đường biên giới hữu hình trên không được thiết lập và như vậy nước Anh vẫn được hưởng một phần quyền lợi trong liên minh thuế quan châu Âu, có thời gian chuẩn bị cho chia tay êm đẹp, không gây sốc cho kinh tế - xã hội cũng như chính trị của Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, các nghị sĩ Anh, gồm những người đòi “Brexit cứng”, muốn nước Anh dứt khoát ra khỏi EU không có thỏa thuận backstop, kết hợp với phe chống Brexit đã tạo thành đa số ở nghị viện bác bỏ thỏa thuận của Chính phủ bà Theresa May mà không cần biết đến hệ quả thế nào. Những người này lập luận rằng, dù việc rời đi không có thỏa thuận có thể đưa tới một số bất ổn trong ngắn hạn, về lâu dài, nó sẽ cho phép Vương quốc Anh phát triển và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại có lợi trên toàn thế giới.
Ngày 13-3, Nghị viện Anh lại bỏ phiếu chống việc Anh rút khỏi EU mà không có thỏa thuận (Brexit no deal). Với 321 phiếu thuận và 278 phiếu chống, các nhà lập pháp Anh đã phản đối việc rời EU trong bất cứ trường hợp nào nếu không có thỏa thuận. Trong bản kiến nghị gửi tới Hạ viện Anh tối 13-3, Thủ tướng May kêu gọi nghị viện một lần nữa xem xét để thông qua thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và EU thống nhất tháng 11-2018 và đã sửa đổi một vài điểm liên quan điều khoản backstop. Bà May cho rằng chỉ có như vậy, thời điểm nước Anh rời EU vào ngày 29-3 mới có thể được gia hạn. Nếu các nghị sĩ Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit sửa đổi trong cuộc bỏ phiếu thứ 3 này, Thủ tướng May sẽ đề xuất với các nhà lãnh đạo EU một khoảng thời gian gia hạn Brexit ngắn từ ngày 29-3 sang ngày 30-6 tới, nhằm tạo điều kiện văn kiện trên được phê chuẩn.
Tuy nhiên, trong trường hợp thứ hai, nếu Nghị viện Anh từ chối hậu thuẫn thỏa thuận Brexit sửa đổi và phản đối việc Anh rời EU không thỏa thuận vào ngày 29-3, nước Anh sẽ phải đề xuất kéo dài thời gian hơn so với phương án đầu tiên. Việc lùi thời hạn Brexit quá ngày 30-6 đồng nghĩa với việc nước Anh vẫn phải tham gia các cuộc bầu cử tại Nghị viện châu Âu vào ngày 24 và 26-5 tới, đồng thời lộ trình rời khỏi EU sẽ bị kéo dài không hạn định.
KHÔNG CÓ CƠ HỘI THỨ 3
Ngày 13-3, trên báo Libération của Pháp, một chân dung nhìn nghiêng của Thủ tướng Anh đã chiếm trọn nửa trang nhất, với hàng tựa lớn: “Brexit: Trở về điểm xuất phát”. Ở 2 trang báo bên trong, Libération đã nhận định trong hàng tít: “Brexit: Cuộc ra đi không thành công chút nào”. Theo Libération, sẽ có thể có 2 khả năng: Một là Anh rời bỏ châu Âu mà không có thỏa thuận và hai là London xin Bruxelles cho dời ngày chia tay.
Trong trường hợp châu Âu đồng ý cho dời thời điểm Brexit, Libération nhắc lại quan điểm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và các nhà lãnh đạo châu Âu: Thời hạn chỉ có thể là rất ngắn, cho đến trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào cuối tháng 5 mà thôi, để khỏi phải lâm vào tình thế vô lý là Anh chuẩn bị ra khỏi châu Âu nhưng lại bầu ra đại biểu của mình trong nghị viện của EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng: “Trong chính trị, đôi khi chúng ta có cơ may thứ 2 nhưng lần này sẽ không có cơ hội thứ 3”.
Về phần mình, Chủ tịch EU Donald Tusk nhận định: Kết quả bỏ phiếu đã làm tăng đáng kể khả năng Brexit không thỏa thuận, trong lúc nhà đàm phán châu Âu là Michel Barnier cũng như Phủ Tổng thống Pháp đều cho rằng giải pháp cho sự bế tắc chỉ có thể được tìm thấy ở London.
Vậy thì lối thoát nào cho nước Anh những ngày tới? Tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit? Hay giải tán, bầu lại Quốc hội? Cả 2 giải pháp thông qua lá phiếu của cử tri Anh đều ẩn chứa những bất trắc mà Thủ tướng Theresa May không hề muốn.
MỘC THẠCH