Bí ẩn về vụ nổ "siêu khủng" ở Siberia

Thứ Tư, 13/03/2019, 13:59 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 30-6-1908, một vụ nổ sáng loà bầu trời đã quét sạch 80 triệu cây cối và vô số động vật trên diện tích hơn 1.300km² tại khu vực sông Tunguska, Siberia, Nga. Sau hơn 111 năm, nguyên nhân của sự kiện này đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

Ảnh chụp năm 1929 cảnh tượng “chết chóc” trong rừng Tunguska dù đã 21 năm sau vụ nổ.
Ảnh chụp năm 1929 cảnh tượng “chết chóc” trong rừng Tunguska dù đã 21 năm sau vụ nổ.

Vào khoảng 7 giờ 17 phút sáng 30-6-1908, những cư dân thưa thớt ở vùng Krasnoyarsk Krai tỉnh giấc nhìn thấy một cột ánh sáng xanh chói loà như mặt trời di chuyển ngang bầu trời. Rồi họ nghe thấy một tiếng nổ kinh khủng, những cơn chấn động di chuyển ngang qua khu vực đã xé vỡ cửa kính, khiến người đi bộ ngã nhào trên mặt đất. Vụ nổ với công suất ước tính gấp 1.000 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshmia đã xoá sổ cả một khu rừng hoang sơ hẻo lánh thuộc Siberia.

Mãi 13 năm sau vụ nổ, các nhà khoa học Nga, dẫn đầu là nhà khoáng vật học Leonid Alexejewitsch Kulik, mới quyết định tìm hiểu về thảm họa. Ông tin rằng một thiên thạch lớn đã rơi xuống khu vực và hy vọng có thể tìm được một số kim loại vũ trụ tại vùng sông Tunguska. 

Tháng 3-1927 đoàn thám hiểm của Kulik tới vùng Wanawara và ngày 13-4-1927 họ phát hiện một khu vực lớn phủ đầy những thân cây mục rữa. Một vụ nổ lớn rõ ràng đã san bằng trên 80 triệu cây cối trên khu vực rộng trên 1.300km2. Chỉ có vùng trung tâm của vụ nổ trong “rừng Tunguska” thì cây cối vẫn đứng thẳng, có cành và vỏ vây bị cháy xém.

Mặc dù đã tìm kiếm trong một khu vực rộng lớn, nhóm của Kulik không thể tìm thấy bất cứ hố thiên thạch lớn nào, ngoài những hố tròn nhỏ có thể do những mảnh vỡ của thiên thạch tạo ra. Tuy vậy không một vật liệu thiên thạch nào được phát hiện. Kulik cho rằng vụ nổ có thể đã xảy ra trong bầu khí quyển, gây ra những quả cầu lửa và sự hủy diệt với khu vực mặt đất bên dưới. Những mảnh vỡ thiên thạch có thể bị vùi trong lớp đất đầm lầy, vốn quá mềm để có thể giữ được hình thái điển hình của một hố thiên thạch.

Năm 1934, các nhà khoa học Xô Viết công bố một loạt giả thuyết khác nhau trong nghiên cứu của Kulik. Họ cho rằng một sao chổi, chứ không phải thiên thạch, đã tấn công Tunguska. Do sao chổi có thành phần chủ yếu là băng, nên nước đã bay hơi hoàn toàn sau khi va chạm và không còn dấu vết nào để lại.

Tới năm 1973, các nhà vật lý Mỹ đã đưa ra giả thuyết một hố đen nhỏ va chạm với trái đất, gây ra một số kiểu phản ứng kháng vật chất trong bầu khí quyển và dẫn đến vụ nổ khủng khiếp phía trên Tunguska. 

Những năm gần đây, nhà vật lý học vũ trụ người Đức Wolgang Kundt và sau đó là tiến sĩ Jason Phipps Morgan làm việc tại Trường ĐH Cornell University ở Ithaca và Paola Vannucchi, Trường ĐH Florence (Italia) đã đề xuất một cách giải thích mới về sự kiện Tunguska. Theo giả thuyết này, sự xâm nhập của mắc-ma vào lòng đất ở Siberia đã tạo ra một bong bóng lớn các loại khí núi lửa, bị chôn kín bên dưới lớp đất bazan của vùng Siberia. Cuối cùng, vào tháng 6-1908, lớp đá bao phủ bị xé văng ra bởi các loại khí bị nén, khí metan cùng các loại khí dễ cháy khác, gây ra loạt vụ nổ Tunguska. Các hóa chất dư sau vụ nổ đã tan vào khí quyển và tạo ra những đám mây lấp lánh trên khắp thế giới. Bong bóng khí được quan sát thấy trong các hồ ở Siberia, còn khí metan thoát ra từ các vật liệu hữu cơ phân hủy chôn vùi dưới lớp đất đông cứng của rừng Taiga. 

Cách giải thích thuyết phục nhất về sự kiện Tunguska vẫn là một vật thể vũ trụ đã đi vào khí quyển trái đất. Ý tưởng này xuất phát từ những báo cáo về một quả cầu lửa rơi xuống và sự xuất hiện của các khoáng chất liên quan đến một vụ va chạm như kim cương nano, silicat hình cầu. Nguồn gốc của vật thể vũ trụ này thì vẫn chưa rõ. Dựa trên năng lượng từ vụ nổ (ước tính 10-15 megaton TNT), các nhà khoa học phỏng đoán một sao chổi có đường kính trên 800m, hoặc một thiên thạch có đường kính 30-100m đã nổ ở độ cao 5-8km trên không.

Tuy vậy kịch bản này vẫn còn một vấn đề là nó không giải quyết được triệt để việc không tìm thấy các mảnh vỡ của thiên thể vì thật khó mà tin rằng một vật thể khổng lồ như vậy lại có thể cháy rụi trên không mà không còn dư một mảnh vụn nào.

Mặc dù đa số các nhà khoa học nói riêng cũng như dư luận nói chung tin vào kịch bản về cú va chạm của sao chổi hoặc thiên thạch, việc thiếu những bằng chứng cuối cùng vẫn làm cho sự hiếu kỳ của nhân loại với sự kiện này không thể chấm dứt, ngay cả giả thuyết về sự tấn công của những người ngoài hành tinh cũng đã được một số người giàu trí tưởng tượng phác họa lại, mô tả nó là một vụ nổ do một loại vũ khí hủy diệt đặc biệt nên không hề để lại dấu vết.

Vụ nổ Tunguska giống như một vụ án mà những nhà điều tra có thể tưởng tượng ra nhiều kịch bản. Tất cả các kịch bản đều có vẻ có lý nhưng đều không cách nào tìm ra bằng chứng cuối cùng chứng minh. Điều này làm cho sự kiện Tunguska càng trở nên huyền bí hơn.

THU HẰNG

;
.